Ngày 6-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật An toàn thông tin (ATTT). Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son cho biết luật quy định về hoạt động ATTT, bao gồm bảo đảm ATTT trên mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; kinh doanh ATTT; quản lý nhà nước về ATTT...
Đáng chú ý, dự luật quy định việc gửi thông tin trên mạng phải bảo đảm không được giả mạo, làm sai lệch nguồn gốc gửi thông tin; không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa có sự đồng ý, yêu cầu của người nhận.
Đối với việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân, dự luật quy định trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm: Thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết để xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích cụ thể của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập thông tin; thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết để xin ý kiến trước khi sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu khi tiến hành thu thập thông tin; không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát được cho bên thứ ba trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ tịch Hội đồng Thẩm định dự án Luật ATTT của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng cần làm rõ về quy định ngoại trừ, không phải xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân khi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, tổ chức trong "trường hợp để tính giá cước, lập hóa đơn, chứng từ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng, ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc pháp luật có quy định khác". Đối với các trường hợp phải xin ý kiến của chủ thể thông tin cá nhân, đề nghị bổ sung quy định xử lý trường hợp chủ thể thông tin cá nhân không cho phép thu thập, sử dụng thông tin.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn rằng báo chí cũng là thông tin, mạng xã hội hay blog cũng là thông tin. Những loại hình này đưa thông tin an toàn, tốt, chính xác nhưng khi bị đột nhập, lấy cắp, xuyên tạc thì có thể trở thành không an toàn. Hay kẻ xấu tấn công vào người truyền tin, người nhận tin thì luật cần phải làm rõ trách nhiệm. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền góp ý: “Thông tin cá nhân được bảo hộ theo Hiến pháp nhưng không phải thông tin nào cũng là mật”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện dự án luật để có thể kịp thời trình QH tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Phí và Lệ phí. Thẩm tra dự luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của dự luật là chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí và thực hiện theo cơ chế giá, các quy định này đã được thể hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá. Theo quy định này, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do nhà nước định giá.
Đối với lệ phí môn bài (là khoản lệ phí mới, chuyển từ thuế môn bài sang), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí chuyển thuế môn bài là khoản lệ phí như dự luật.
Bình luận (0)