Vì sao người Việt ngày càng nghiện rượu bia đến vậy? Mức tiêu thụ bia rượu ở nước ta đã gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu (Việt Nam tiêu thụ trung bình 27,4 lít bia/người/năm), người Việt uống bia nhiều nhất Đông Nam Á và hạng ba châu Á. Đi đâu cũng thấy quảng cáo bia tràn ngập báo, đài, các bảng quảng cáo dọc đường phố, ngõ làng... Thậm chí, dưới các câu khẩu hiệu kêu gọi thanh niên sống có lý tưởng ở một di tích lịch sử mà cũng có tên và logo của một hãng bia!
Chẳng có gì khó hiểu vì Bộ Công Thương đã xác định mục tiêu là xây dựng ngành công nghiệp sản xuất rượu bia theo hướng phát triển “bền vững, hiệu quả” (chỉ tiêu năm 2015 đạt sản lượng đến 4 tỉ lít và 188 triệu lít rượu công nghiệp bởi các nhà máy mới có công suất 100 triệu lít/năm trở lên); mở rộng hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết để sản xuất bia cao cấp; phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm bia để nâng sức cạnh tranh... Nhờ đó, ngành rượu bia nộp ngân sách năm 2015 đến 30.000 tỉ đồng. Con số “khủng” này nói lên điều gì khi mà thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông chỉ riêng năm 2014 là hơn 1 tỉ USD và bao nhiêu hệ lụy không thể kể hết về nhân mạng, hạnh phúc gia đình, đạo đức xã hội...
Phải chăng áp lực thu ngân sách và quyền lợi cục bộ đã che lấp tầm nhìn của các nhà quy hoạch, điều hành chính sách công nghiệp? Đó là một vấn đề lớn hiện nay cần được đánh giá lại.
Nhưng xét cho cùng, rượu bia chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái gốc chính là giáo dục “có vấn đề”. Một nền giáo dục mà 3 “chân kiềng” là triết lý giáo dục, định hướng giáo dục và phương pháp giáo dục đã bị nghiêng ngả dưới áp lực của đời sống kim tiền thì hẳn dẫn con người ta đến chỗ giết nhau chỉ vì mấy chục ngàn bạc, đâm chém nhau chỉ bởi những hiềm khích không đáng có khi va quệt trên đường hay một lời nói qua lại hằng ngày thiếu kiềm chế…
Trên cái nền suy mạt đó, lối sống tôn sùng vật chất lại được cổ xúy hằng ngày trên phim ảnh và nhiều loại phương tiện truyền thông mới, đã đẩy con người vào chỗ không còn biết phải trái, phép tắc gì nữa là điều tất nhiên.
Và đến lượt nó, bia rượu bị lạm dụng không giới hạn đã kéo theo mọi giá trị nhân sinh về phía bóng tối; khiến con người - mà đa số là còn trẻ tuổi - như một thứ “hổ nhập lâm”, sẵn sàng vung dao múa kiếm, không hề biết ghê sợ khi phóng xe với tốc độ cuồng điên.
Câu chuyện đầu năm, vì thế, lại trở thành câu chuyện không tích cực về đời sống xã hội hôm nay, thức tỉnh mỗi con người phải sống có trách nhiệm hơn đối với bản thân và cộng đồng.
Bình luận (0)