xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mai một làng nghề tơ lụa

NGUYÊN ĐỨC - CHẤN HẢI

Vùng nguyên liệu bị thu hẹp, đầu ra trì trệ, nhân công bỏ đi và con tằm… vào quán nhậu khiến 2 làng tơ lụa nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam là Mã Châu và Duy Trinh khó tránh nguy cơ bị xóa sổ

Khách du lịch khi đến Quảng Nam thường được đưa tới tham quan các làng nghề nổi tiếng ở tỉnh này. Làng tơ lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước) và làng tơ lụa Duy Trinh (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) nằm trong số đó. Tuy nhiên, dù chỉ phục vụ du lịch, các làng nghề này cũng khó trụ nổi.

Con tằm thôi nhả tơ

Làng tơ lụa Mã Châu hình thành từ thế kỷ XVI, nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa. Lụa Mã Châu thời bấy giờ cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc. Thế nhưng, với hàng trăm năm tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, làng tơ lụa Mã Châu đang có nguy cơ mai một.


Sản xuất cầm chừng ở HTX Tơ lụa Mã Châu Ảnh: ĐỨC HẢI

Sản xuất cầm chừng ở HTX Tơ lụa Mã Châu Ảnh: ĐỨC HẢI


Nhân công của HTX nghỉ việc, máy móc bỏ hoang lâu ngày Ảnh: ĐỨC HẢI

Nhân công của HTX nghỉ việc, máy móc bỏ hoang lâu ngày Ảnh: ĐỨC HẢI

Lúc hưng thịnh, làng tơ lụa Mã Châu có đến hơn 2.000 ha trồng dâu nuôi tằm. Còn hiện tại, những vườn dâu nhường chỗ cho các loại cây trồng khác. Đa phần người dệt lụa cũng chuyển sang làm công việc khác. Rảo một vòng quanh làng, chỉ nghe thưa thớt tiếng khung cửi lách cách.

Làng tơ lụa Duy Trinh nổi tiếng không kém nhưng cũng đang chung số phận. Từ chỗ gần 200 hộ nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và dệt vải, nay khung cảnh khá yên ắng, tiếng thoi đưa chỉ còn lác đác ở vài nhà.

Gia đình ông Một Ất (60 tuổi, ngụ xã Duy Trinh) có nhiều thế hệ làm nghề ươm tơ, dệt lụa. Ông Ất cho biết trước đây, cả làng có 160 ha đất nông nghiệp thì hết thảy đều được bà con trồng dâu, nuôi tằm. Sản phẩm làm ra - từ những mảnh khăn lụa mềm đến những tấm áo dài kiểu xưa - tiêu thụ khắp nơi; thương lái từ Hà Nội, TP HCM nườm nượp về lấy hàng. Thế nhưng, cùng với thời gian lụa Thái Tuấn ra đời, sản xuất công nghiệp phát triển thì nghề dệt lụa truyền thống cũng suy sụp.

Theo ông Ất, trước đây, gia đình nào cũng trồng dâu, nuôi tằm ngay tại nhà. Thế nhưng, quá trình quy hoạch, mua bán đất đai khiến diện tích trồng dâu hẹp dần. Những hộ còn nhiều đất cũng chuyển đổi sang trồng dưa và các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng dâu, nuôi tằm. Con tằm thường được nuôi ở nhiệt độ 21-28 độ C nhưng mấy năm nay thời tiết thay đổi, việc nuôi tằm lấy kén gặp khó khăn. Vì thu nhập không cao và điều kiện làm việc vất vả nên nhân công trong làng bỏ nghề hết.

“Con tằm bây giờ không còn cho tơ nữa mà nó được đưa vào các quán nhậu làm mồi cho thực khách” - ông Ất chua xót.

Loay hoay phục dựng

HTX Tơ lụa Mã Châu thành lập năm 1978 do chính xã viên chung tay gầy dựng nhằm vực dậy làng nghề nổi tiếng của địa phương. Nhờ tổ chức lại sản xuất, khai thông đầu ra, HTX nhanh chóng ăn nên làm ra. Lúc cao điểm, có đến 400 nhân công ươm tơ chia làm 3 ca. Hàng ngàn hecta dâu trở thành nơi tập hợp kén để ươm tơ. Sự ra đời của HTX Mã Châu giải nguy cho cả làng tơ lụa Duy Xuyên và các làng nghề khác.

Nhưng rồi HTX Tơ lụa Mã Châu cũng không trụ vững trước sức ép của kinh tế thị trường. Trở lại HTX trong những ngày này, cảnh nhộn nhịp đã không còn như trước. Bên trong cơ ngơi xuống cấp chỉ còn vài công nhân làm việc cầm chừng bên cạnh hàng chục máy móc để không bám đầy bụi.

Ông Trần Hữu Phương, Giám đốc HTX Tơ lụa Mã Châu, cho biết hiện nay, HTX còn khoảng 40 nhân công, trong đó 10 người làm theo thời vụ. Sự trì trệ của HTX được ông Phương giải thích là do phần lớn nhân công có kinh nghiệm lâu năm đã bỏ đi vì việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh khiến vùng nguyên liệu ở địa phương thu hẹp, hơn 90% nguyên liệu phải lấy từ Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tơ lụa giờ chủ yếu phục vụ du lịch như túi xách, khăn quàng cổ, cà vạt...

Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa từ lâu đã là nghề truyền thống của người dân Duy Xuyên, mang lại hiệu quả không nhỏ về kinh tế - xã hội cũng như đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa Việt. Thế nhưng, trải qua bao thăng trầm, những làng tơ lụa một thời nổi tiếng khó tránh khỏi lụi tàn.

“Ngoài sự quyết tâm, nỗ lực, chúng tôi cần nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, quy hoạch nguồn nguyên liệu để các làng nghề có điều kiện “sống lại”. Đó cũng là mong mỏi của mỗi người con xứ Quảng” - ông Phương bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-3

Kỳ tới: Lo thất truyền làng đúc đồng

Cần vốn để cứu làng nghề

Mã Châu là một trong 16 làng nghề nằm trong danh mục được hỗ trợ để đầu tư phát triển và phục vụ du lịch theo đề án “Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 7-4-2015. Trước đó, năm 2012, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là hầu hết các làng nghề đều thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Hữu Phương cho rằng chỉ cần có vốn là ông có thể cứu được làng nghề Mã Châu. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ông hầu như không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng do tài sản của HTX không đủ để thế chấp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo