Tròn 10 năm từ khi khởi động “Ngày gấu Việt Nam”, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cùng nhiều cơ quan liên quan đã nỗ lực hoạt động nhằm chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại nước ta.
Không sinh lãi, nhiều gấu bị bỏ đói chết
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy năm 2005, có hơn 4.300 cá thể gấu được phát hiện nuôi nhốt tại các trang trại trên cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mật như một sản phẩm y học cổ truyền.
Tuy nhiên, từ năm 2005, Bộ NN-PTNT đã có nhiều nỗ lực nhằm xóa bỏ nạn nuôi nhốt gấu. Bước đầu, 4.300 con gấu trên cả nước đã được đăng ký và gắn chíp để quản lý. Từ đó, tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã giảm đáng kể. Theo thống kê, đến đầu năm 2015, chỉ còn 1.250 con gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại, giảm 72% so với năm 2005.
Có địa phương còn kinh doanh bằng hình thức cho du khách tham quan địa điểm nuôi và xem hút mật gấu, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của Việt Nam.
Trước tình trạng này, ENV đã tích cực phối hợp với các địa phương để kiên quyết dẹp bỏ các hoạt động kinh doanh liên quan đến gấu. Nhờ sự quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Ninh, sự tham gia tích cực của các cơ quan liên quan, việc kinh doanh từ chích hút mật gấu tại TP Hạ Long đã chấm dứt từ tháng 5-2014.
Đầu năm nay, toàn bộ 48 con gấu nuôi của 18 chủ tại tỉnh Quảng Ninh đã được chuyển giao về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (Vườn Quốc gia Tam Đảo) để nuôi dưỡng theo đề nghị của Bộ NN-PTNT. Trước đó, Quảng Ninh có đến hàng trăm con gấu nuôi nhốt, trong đó phần lớn đã chết do chủ nuôi bỏ đói vì không sinh lãi.
Cả nước hiện có 7 trung tâm cứu hộ và khu bảo tồn tiếp nhận những cá thể gấu từ các trang trại, trong đó có Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn, Trung tâm Cứu hộ Vườn Quốc gia Cát Tiên… Những trung tâm này đã tiếp nhận tổng cộng trên 200 con gấu, trong đó có không ít cá thể được bàn giao từ hộ dân trong tình trạng suy kiệt do bị hút mật quá nhiều.
Ông Luke Nicholson - Giám đốc Dự án hợp tác khu vực, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (World Animal Protection) - nhận định mật gấu ở Việt Nam thông dụng như một sản phẩm y học cổ truyền. Để phục vụ cho nhu cầu đó, số lượng gấu nuôi nhốt trong những chuồng cũi chật hẹp để thường xuyên bị hút mật ngày càng nhiều và đe dọa nghiêm trọng nhất đến sự tồn vong của loài gấu.
Tín hiệu tích cực
Hiện nay, việc sử dụng mật gấu như một thần dược để chữa các bệnh viêm khớp, rối loạn tiêu hóa, bong gân, ung thư… đang giảm dần.
Kết quả khảo sát của ENV về thái độ và hành vi sử dụng mật gấu của hơn 3.000 người ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cuối năm 2014 cho thấy tình trạng sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với năm 2009. Có 73% người từng sử dụng mật gấu đã không còndùng trong 2 năm trở lại đây, giảm 61% so với khảo sát năm 2009. Nhu cầu sử dụng mật gấu giảm mạnh ở tất cả các nhóm khảo sát bởi họ nhận thấy sử dụng không hiệu quả (31%) và quan ngại đến sự tồn tại của loài gấu (18%). Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như không biết về tác dụng của mật gấu, giá mật gấu quá cao, lo ngại vi phạm pháp luật hay quan ngại về chất lượng…
Bình luận (0)