Chiều 30-7, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ đối với các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc.
Nguy cơ lũ quét cao
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, nhận định từ ngày 30 và 31-7, mưa vẫn tập trung ở Đông Bắc Bộ. Các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn có lượng mưa 100-120 mm, một số nơi có thể cao hơn. Do đất đã bão hòa nước nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang là rất cao; gây ngập lụt ở Quảng Ninh, Hải Phòng và vùng trũng thấp của Lạng Sơn.
Với đợt mưa mới này, ông Cường cho biết các mô hình dự báo có mưa lớn trên diện rộng cho xác suất đến 80% sẽ xảy ra. Từ đêm 31-7, mưa lớn có thể tiếp tục diễn ra ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, sau đó lan sang khu vực Việt Bắc, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc Bộ. Lượng mưa bình quân từ ngày 31-7 đến 4-8 khoảng 100-300 mm, thậm chí có nơi lên đến 400-500 mm, trọng tâm là ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết hiện mưa đã giảm, các công việc cơ bản được kiểm soát và đang khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều đặc biệt nguy hiểm là bãi thải than Mông Dương, than Cọc 6 có nguy cơ vỡ nên sáng 30-7, chính quyền đã kiên quyết di dời 229 hộ dân. “Hiện không còn mưa nên có thể giữ được nhưng nếu tiếp tục mưa lớn, các bãi thải vỡ thì cực kỳ nguy hiểm vì sẽ vùi lấp toàn bộ nhà cửa của nhân dân” - ông Long lo lắng.
Để chủ động đối phó đợt mưa thứ hai sắp diễn ra, ông Long cho biết tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương ứng trực 24/24 giờ, kiên quyết di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm. “Nếu đợt mưa thứ hai này nơi nào để dân thiệt mạng do sạt lở đất, chắc chắn lãnh đạo địa phương đó phải bị kỷ luật” - ông khẳng định.
Trước sự lo lắng của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị ngay trong chiều 30-7, Bộ Công Thương phải cử chuyên gia về Quảng Ninh để phối hợp với địa phương đánh giá nguy cơ vỡ các bãi thải này; đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiểm tra hầm, mỏ để bảo đảm an toàn.
Ông Cao Đức Phát đề nghị các địa phương phía Bắc phải chuẩn bị phương án phòng tránh, theo dõi sát sao diễn biến mưa lũ. Đặc biệt, phải thường xuyên thông báo, cập nhật tình hình thời tiết đến từng hộ dân để bà con chủ động phòng chống.
Tại Lạng Sơn, theo thống kê ban đầu, hiện đã có 1 người ở huyện Chi Lăng chết do lũ cuốn trôi; ước tính thiệt hại về vật chất trên 11 tỉ đồng.
Xót xa đất mỏ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV, lo lắng: “Trận mưa lũ lịch sử đã gây tổn thất nặng nề cho ngành than, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của khoảng 80.000 thợ mỏ; gián đoạn cung cấp than cho các hộ tiêu thụ. Thiệt hại của các đơn vị chưa xác định hết nhưng con số ước tính đã khoảng 1.000 tỉ đồng”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TKV, mưa lớn làm ngập mức -175 ở mỏ than Ngã Hai - Công ty Than Quang Hanh; ngập lò mức -250 ở khu Đông Bắc Mông Dương - Công ty CP Than Mông Dương; bồi lấp trạm xử lý nước thải +25 ở Núi Nhện - Công ty TNHH MTV Môi trường; kho than tại Công ty Tuyển than Hòn Gai, kho vận Hòn Gai, kho vận và cảng Cẩm Phả bị vỡ đê bao, sạt lở, ngập úng...
Do ảnh hưởng của mưa lớn và các sự cố nêu trên, TKV đã dừng mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn, tập trung phòng chống mưa lũ. Các đơn vị bị ảnh hưởng lớn đã tập trung nhân lực, huy động tối đa thiết bị để khơi thông mương nước, ngăn chặn bùn đất chân bãi thải; triển khai đóng phai chắn và cửa kín ngăn nước xuống giếng phụ để chống nguy cơ ngập mỏ tại các khu vực trung tâm.
“Mọi công tác khắc phục sẽ phải lấy thợ mỏ, người dân làm trung tâm và ưu tiên hàng đầu. Dù phải nghỉ việc nhưng công nhân vẫn có lương, kinh phí sẽ trích từ quỹ lương dự phòng” - ông Chuẩn cho biết. Theo ông, để có thể khắc phục sự cố, khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất, TKV đã yêu cầu các đơn vị phải tranh thủ chạy đua với thời tiết để kiểm soát ngay những khu lò cũ, than lộ vỉa có nguy cơ ngập nước...
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Quảng Ninh, mưa lớn khiến các quốc lộ 18A, 18B, 18C, 279, tỉnh lộ 326, 329, 330… và đường tránh phía Bắc TP Hạ Long sạt gần 100 điểm với trên 300.000 m3 đất đá. Trong đó, các tỉnh lộ 326, 334, 329 và tuyến đường tránh phía Bắc TP Hạ Long sạt lở taluy nghiêm trọng, ảnh hưởng giao thông. Ước tính tổng kinh phí để khắc phục thiệt hại do mưa lũ ngây ra ở các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh khoảng 250 tỉ đồng.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 17 người chết, 6 người mất tích trên vùng biển khu vực Cô Tô; 3.700 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt. Tổng thiệt hại ước tính trên 1.500 tỉ đồng.
Mưa dài ngày đã khiến đập 790 ở phường Mông Dương, TP Cẩm Phả vỡ vào sáng 30-7. Một phần chân đập sạt lở, nước tràn qua cuốn theo đất, đá. Công ty Than Cao Sơn đã huy động nhiều máy móc, phương tiện để gia cố con đập. Tuy nhiên, do trời vẫn mưa lớn, công ty buộc phải khơi một dòng chảy để giảm áp lực cho đập. Nước tràn qua khu dân cư dưới chân đập gây ngập hết tầng 1 của nhiều căn nhà. Hầu như toàn bộ tài sản, hoa màu của người dân đã bị đất, đá vùi lấp.
Trung tá Ngô Ngọc Linh, Trưởng Công an phường Mông Dương, cho biết các cấp chính quyền đã vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn. Một số hộ dù được giải thích về nguy cơ vỡ đập vẫn cố bám trụ, buộc lực lượng chức năng phải có biện pháp cứng rắn. Hiện chưa thể thống kê được những thiệt hại sau sự cố vỡ đập 790. Ngoài tài sản, hoa màu của 94 hộ dân hầu như bị xóa sổ, hàng chục vạn tấn than của Công ty Than Cao Sơn bị vùi lấp. Rất nhiều xe, máy móc, phương tiện cũng ngập sâu.
Toàn bộ địa bàn Cẩm Phả đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Khoảng 4.148 hộ dân các phường, xã trên địa bàn bị ngập úng. Trong 105 nhà của các hộ dân tại phường Mông Dương bị đất, đá vùi lấp, có 40 căn bị vùi lấp hoàn toàn.
Thiệt hại nặng nề về người và tài sản nhất là TP Hạ Long. Đến chiều 30-7, có 14 người tử vong, 8 người bị thương; hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình kiến trúc và tài sản của nhân dân bị hư hỏng nặng; nhiều khu dân cư bị ngập úng ảnh hưởng tới trên 1.600 hộ dân; trên 50 ha diện tích lúa, hoa màu bị hư hỏng; trên 1.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi...
31.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó
Theo đại tá Vũ Thế Chiến, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, quân đội đã chuẩn bị 31.000 cán bộ, chiến sĩ và 860 phương tiện ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Rút kinh nghiệm ở Quảng Ninh và chuẩn bị ứng phó đợt mưa lũ sắp tới, ông Chiến cho biết đã yêu cầu lực lượng quân đội của các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn ém sẵn quân hoặc phương tiện ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cao gây chia cắt hoặc gần nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét.
Yêu cầu tàu quân sự “giải cứu” du khách
Chiều 30-7, tàu hải quân đã cập cảng Cô Tô để “giải cứu” du khách đang mắc kẹt do mưa lũ ở đây về đất liền. Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chỉ có 1 tàu đưa du khách về đất liền trong khi mỗi chuyến chỉ chở được 280-300 người. Vì vậy, tỉnh đã yêu cầu lực lượng hải quân chi viện thêm tàu để đưa 1.500 du khách mắc kẹt tại đảo Cô Tô vào bờ trong ngày 31-7.
“Lương thực trên đảo Cô Tô vẫn có thể duy trì trong 3 ngày nữa, trong trường hợp không di chuyển hết du khách về đất liền trong 3 ngày tới thì phải tiếp tế. Bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân lúc này là quan trọng nhất” - ông Hậu khẳng định.
Bình luận (0)