Tại Quảng Trị, đợt mưa lũ kéo dài khiến huyện Hải Lăng ngập chìm trong nước. Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cho biết: đến chiều 9-9, nước lũ đã xuống nhưng ở các xã Hải Thọ, Hải Thiện... vẫn chưa tiêu nước kịp, nước vẫn đang còn lênh láng.
Đỉnh lũ lần này đã vượt cao trình hệ thống đê chống úng cho vùng trũng Hải Lăng nên gây ngập lụt toàn diện vùng trũng và làm hư hại nhiều công trình.
Toàn huyện vẫn còn 1.600 ha lúa hè thu chưa gặt, hơn 1.000 ha rau màu vẫn bị ngập sâu, hơn 2.500 ha lúa đã thu hoạch không phơi được nên cũng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do lũ gây ra hơn 320 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, mặc dù trong ngày 9-9, mưa đã ngớt dần nhưng nhiều nơi vẫn bị ngập sâu trong nước lũ.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho hàng trăm ha lúa, hoa màu và các ao hồ nuôi trồng thủy sản ven sông Trường Giang, Bàn Thạch. Nhiều hộ nuôi tôm phải thu hoạch… chạy lũ nên giá tôm chỉ xuống còn 5.000 đồng/kg.
Chợ Tam Kỳ ngập trong nước lũ nên người dân họp chợ ngay tại ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Cao Vân.
Nhiều trường học trên địa bàn TP Tam Kỳ tạm thời đóng cửa.
Đến 10 giờ sáng nay, thi thể của em Đỗ Thị Kim, học sinh lớp 11/8 Trường THPT Cao Bá Quát (Núi Thành), bị lũ cuốn trôi tại khu vực cầu Bà Bầu, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành vẫn chưa tìm thấy. Lúc 15 giờ 30 ngày 8-9, trên đường đi học thêm về nhà, em Kim đã bị nước lũ cuốn trôi cùng với xe đạp.
Nước lũ băng qua ngầm sông Trường trên đường ĐT616 qua địa phận xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, cắt đứt lưu thông giữa hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My.
Đường về các xã vùng cao Nam Trà My cũng bị sạt lở đất và nước lũ chia cắt nhiều nơi.
Sạt lở đất tại khu vực Dốc Kiền, giáp giới giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, chưa khắc phục được; nay lại thêm hàng chục điểm sạt lở mới xuất hiện trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam và các đường công vụ từ trung tâm các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang… đi các xã vùng cao.
Tại Quảng Nam, dù mưa đã ngớt nhưng nhiều nơi vẫn ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: P.Trịnh
Tại Quảng Ngãi, sáng ngày 9-9, tuyến tỉnh lộ 622B từ huyện Trà Bồng lên huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đã xảy ra một điểm sạt lở lớn tại Km49+100 thuộc địa phận xã Trà Lãnh (huyện Tây Trà). Hàng trăm khối đất đá trên núi đổ xuống đường, gây ách tắc giao thông, ô tô không qua lại được. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ Quảng Ngãi đã khắc phục tạm thời để thông tuyến; đồng thời cử một đội công nhân xe máy túc trực để xử lý sạt lở trên tuyến đường này.
Riêng xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, nước sông Tang dâng cao và chảy xiết nên bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Tuyến đường Sông Trường - Trà Bồng- Bình Long - Dung Quất, đoạn qua địa bàn huyện Trà Bồng cũng có nhiều đoạn sạt lở. Trong đó đoạn qua tổ 4, thôn 3 xã Trà Thủy, bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm mét khối đất đá, cây cối, cột điện ngã đổ ngổn ngang, có đoạn sạt lở dài hơn 15m, sát nhà của dân, đe dọa trực tiếp đến đời sống của 6 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu.
Trận mưa lũ sớm cũng đã làm cho trên 2000 ha mì ở 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ngập chìm trong nước gây nguy cơ thối rữa.
Nông dân tập trung thu hoạch chạy lũ khiến cho lượng củ mì ứ đọng trước cổng Nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong ngày càng nhiều. Ít nhất 3 đến 4 ngày nữa, nhà máy chế biến Tinh bột mì Tịnh Phong mới tiêu thụ hết lượng củ mì tươi mà bà con nông dân ở 2 huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn đã thu hoạch.
Ngày 9- 9, sau khi mưa lũ đi qua, giá cả thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng tăng vọt. Các mặt hàng thực phẩm như cá, thịt, rau củ quả cũng tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Cụ thể, rau muống có giá 7.000 đồng/1 bó, tăng 4.000 đồng, rau mồng tơi, rau ngót từ 4.000 đến 5.000 đồng, tăng gấp đôi so với trước, các loại củ quả, trái cây đều tăng giá.
Riêng mặt hàng hải sản rất khan hiếm. Hầu hết ở các chợ chỉ có những mặt hàng hải sản đông lạnh. Lí do được các tiểu thương, cũng như các nhà cung cấp cho biết, do mưa lũ trong nhiều ngày qua đã làm hàng trăm ha rau màu ở các huyện vùng ven thành phố Đà Nẵng bị ngập úng, hư hỏng.
Mưa lũ cũng làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung nên lượng rau xanh từ Đà Lạt và các tỉnh phía Nam đưa về Đà Nẵng giảm gần 40% so với ngày thường.
Kon Tum: Mưa lũ, gió lốc gây thiệt hại hơn 15 tỷ đồng. Theo thông tin từ Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum, tính đến 16 giờ chiều 9-9, mưa lũ, gió lốc đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Kon Tum với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Trong đó, sập 27 phòng học, 17 nhà dân (8 nhà bị sập hoàn toàn); 8 cầu cống bị hư hỏng và hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống đường giao thông; trên 64 ha lúa và 13,5 ha bắp bị ngập úng, bồi lấp và cuốn trôi; 5 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng và cuốn trôi.
Bình luận (0)