Ngày 15-10, mưa lớn trên diện rộng và lũ thượng nguồn đổ về khiến hàng ngàn căn nhà ở các xã Văn Hóa, Đức Hóa, Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa); Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Minh… (thị xã Ba Đồn) và Quảng Thanh, Quảng Trường, Phù Hóa, Quảng Phương… (huyện Quảng Trạch) của tỉnh Quảng Bình chìm trong biển nước.
Tan tành cả rồi!
Rạng sáng cùng ngày, hàng trăm người dân xã Văn Hóa nhốn nháo tìm nơi trú ẩn. Ông Lê Ngọc Muôn (ngụ thôn Sỏi, xã Văn Hóa) cho biết nước dâng cao hơn cả đỉnh lũ lịch sử từng ghi nhận của 100 năm qua và ngay trong đêm với tốc độ nhanh kinh khủng. Dù dân ở đây đã luôn sẵn tinh thần đón lũ nhưng vẫn trở tay không kịp, chỉ còn cách leo lên cao để thoát thân và đành nhìn tài sản trôi theo dòng nước.
Mọi con đường dẫn vào xã Quảng Lộc bị chia cắt, hàng ngàn người dân bấn loạn. Ông Mai Văn Phượng, một người dân xã Quảng Lộc, run giọng: “Chúng tôi trải qua đêm thức trắng với nước trên đầu, nước dưới chân, phải cố thủ trên nóc nhà. Chưa bao giờ thấy nước dâng cao như hiện nay, nhà tôi tan tành cả rồi”.
Trên những mái nhà hai bên đường, chúng tôi không khỏi xót lòng khi chứng kiến cảnh người dân, trâu bò, lợn gà tìm chỗ tránh trú. Toàn huyện Tuyên Hóa có trên 3.500 nhà bị ngập, hàng trăm hộ dân bị đe dọa phải di dời. Ông Võ Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa - cho biết xã có 730 nhà bị ngập, nhiều nơi ngập đến mái, người dân phải lên nóc nhà cố thủ. Huyện Bố Trạch có 4.500 nhà bị ngập, trong đó 1.500 hộ ngập sâu từ 1 m đến 2 m, 3.000 hộ ngập sâu dưới 1 m trong lúc mưa vẫn rất to, nước thượng nguồn sông tiếp tục đổ về khiến người dân lo lắng.
Đến 12 giờ ngày 15-10, nhiều tuyến đường quan trọng ở TP Đồng Hới vẫn chìm sâu trong nước. “Khoảng 30-40 năm nay mới thấy Đồng Hới ngập nặng và kéo dài như vậy” - ông Trần Văn Khoa (84 tuổi; ngụ phường Phú Hải, TP Đồng Hới) nói. Đoạn đường từ cửa ngõ TP Đồng Hới về phía Nam tiếp giáp huyện Quảng Ninh bị chia cắt. Cả tuyến đường khoảng 2 km ngập sâu trong nước từ 0,5 m đến 0,8 m. Tất cả phương tiện đều quay lui và chuyển hướng. Anh Phạm Thế Dũng, chủ tiệm sửa xe trên đường Trần Hưng Đạo (TP Đồng Hới), cho biết 2 ngày qua, cơ sở của anh tiếp nhận khoảng 200 mô tô và hàng chục ô tô chết máy.
Anh Nguyễn Văn Du ngồi trên hai chiếc ghế chồng lên nhau trước hiên nhà ở TP Đồng Hới nhìn chiếc ô tô du lịch còn ngập trong nước, rầu rĩ: “Nước tràn vào nhà gần cả mét, gia đình vẫn chưa thể nấu ăn được. Còn chiếc xe thì ngập gần tới trần, tôi đang chờ nước rút để kéo đi sửa”.
Nhiều nơi ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chìm sâu trong nước vào ngày 15-10
Nhiều người dân ở đường Lý Thường Kiệt (đoạn qua phường Bắc Lý, TP Đồng Hới) vẫn ngập sâu. Chị Lê Thị Bông mở cửa tầng hai ngôi nhà mặt tiền, nói vọng xuống: “Tầng một ngập hết tủ lạnh, bếp. Đồ đạc gần như còn ngâm trong nước. Mấy cái tủ bằng gỗ ép mới mua chắc cũng rã ra vì nước lũ ngâm rồi”.
Một chuyên gia ngành thủy lợi cho rằng lý do TP Đồng Hới bị ngập sâu và lâu như vậy là bởi thời điểm mưa lớn, kéo dài trùng với triều cường, cùng lúc cửa sông Nhật Lệ dâng cao nên các tuyến kênh, mương không thoát nước ra được.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ, mưa lũ làm ngập trên 1.000 nhà dân trong toàn huyện Minh Hóa, đặc biệt “rốn lũ” Tân Hóa có hơn 600 hộ dân bị ngập, nơi sâu nhất khoảng 3 m, xã đã bị chia cắt hoàn toàn với xung quanh. Hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên bản ở huyện Minh Hóa đều bị ngập sâu và chia cắt. Đường Hồ Chí Minh ngập sâu tại nhiều điểm ở các xã Thượng Hóa, Hóa Tiến, Hóa Thanh. Hầu hết các cầu, ngầm tràn ở các xã nước chảy xiết, người và phương tiện không thể qua lại.
Nhiều tàu cá trôi và chìm
Chiều cùng ngày, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết trong số người chết do mưa lũ, thương tâm nhất là cháu Phạm Anh Tuấn, đang học mẫu giáo tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Nước chảy xiết cuốn trôi Tuấn cùng anh là Phạm Hoàng Phương (học sinh lớp 5) trên đường đi học. Dân trong vùng phát hiện và cứu được cháu Phương. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm thi thể cháu Tuấn. Trước đó, ngày 14-10, tại xã Dân Hóa (huyện Tuyên Hóa), anh Đinh Văn Xưởng (25 tuổi) đang đưa một phụ nữ đi sinh cũng bị nước cuốn trôi.
Tuyến đường sắt qua tỉnh Quảng Bình ngập cục bộ nhiều đoạn trong chiều 15-10 khiến tàu lửa không thể lưu thông, trong đó có 9 điểm sạt lở rải rác trên 100 km. 132 hành khách, trong đó có 96 hành khách nước ngoài, kẹt trên tàu SE19 tại ga Lệ Sơn (huyện Tuyên Hóa), nhà ga cũng bị cô lập bởi nước lũ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã điều động ca-nô vào ga Lệ Sơn chở hành khách về.
Theo trung tá Phạm Anh Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Roòn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình), khoảng 4 giờ cùng ngày, tại cửa Ròn có 30-40 tàu cá đứt neo, trôi và mắc kẹt, trong đó có nhiều tàu cá trôi ra biển và chìm. Đến cuối ngày vẫn có khoảng 12 tàu mắc cạn, 5 tàu bị chìm, 4 tàu trôi ra biển, các lực lượng đã cứu được 2 người trên các tàu này. Công tác tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ được triển khai khẩn trương.
Trong chiều 15-10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã đến cửa biển sông Gianh của tỉnh Quảng Bình để kiểm tra và yêu cầu lực lượng chức năng bằng mọi cách phải đưa được 4 người trên một tàu hàng bị chìm vào bờ an toàn trong đêm 15-10.
Mưa bão còn diễn biến rất phức tạp
Ngày 15-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký công điện gửi các bộ, ngành và địa phương liên quan nêu rõ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có mưa rất to trên diện rộng, diễn biến phức tạp, lũ trên các sông lên nhanh, chảy xiết gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam; nhiều vị trí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh tại địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh ngập sâu; một số phương tiện vận tải thủy đứt neo, trôi ra biển. Khả năng tình hình mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Để chủ động phòng chống và ứng phó với tình hình mưa lũ phức tạp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả. Kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn; các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương. Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, phối hợp với các địa phương chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực để bảo đảm an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng mưa lũ tăng giá. Bộ Giao thông Vận tải tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông...
B.T.C
18 người chết và mất tích
Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 18 giờ ngày 15-10, mưa lũ đã làm 10 người chết và 8 người mất tích. Cụ thể, ở các tỉnh: Quảng Bình có 6 người chết, 6 người mất tích; Thừa Thiên - Huế: 1 người chết, 1 người mất tích; Nghệ An: 1 người chết, 1 người mất tích; Hà Tĩnh: 2 người chết. Mưa lũ cũng làm ngập 26.920 căn nhà; tại cửa Gianh tỉnh Quảng Bình có 17 tàu mắc cạn hoặc chìm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương dự báo mưa ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình sẽ giảm nhanh. Ngoài ra, với cơn bão Sarika đang tiến gần biển Đông, trung tâm nhận định là rất mạnh, nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta vào giữa tuần tới và có thể lặp lại đợt mưa lũ lớn cho các tỉnh miền Trung.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), từ 15 giờ ngày 15-10, VNR đã tổ chức chuyển tải hơn 1.000 hành khách ra khỏi khu vực lũ lụt, bảo đảm an toàn. VNR vẫn tiếp tục tổ chức bán vé phục vụ hành khách theo kế hoạch.
V.Duẩn
Thủy điện xả lũ, dân trở tay không kịp
Liên tiếp những ngày qua, do mưa lớn kết hợp nhà máy thủy điện Hố Hô (tỉnh Hà Tĩnh) xả lũ với cường độ lớn đã làm trên 24.000 hộ dân ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh... của tỉnh Hà Tĩnh ngập chìm trong nước, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Thiệt hại nặng nề nhất là huyện Hương Khê với trên 10.350 nhà dân ngập nước. Đến chiều 15-10, huyện Hương Khê vẫn còn 9 xã bị cô lập. Theo người dân nhiều xã ở huyện Hương Khê, ngoài mưa to thì việc thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ trong đêm khiến họ trở tay không kịp.
Ông Mai Hải Tấn (ngụ xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) bức xúc: “Khoảng 22 giờ ngày 14-10, do mưa lớn và thủy điện xả lũ nên chỉ sau một thời gian ngắn nước đã ngập gần mái nhà. Nước lên nhanh quá nên chỉ kịp cứu người, đồ đạc bị hư hỏng hết”. Lũ về bất ngờ trong đêm nên người dân bất lực nhìn nhà cửa, tài sản trôi đi. “Đêm tối, nước lũ về ào ào, thấy đồ đạc, vật nuôi bị cuốn trôi nhưng không làm được gì cả vì nước chảy xiết quá” - chị Đặng Thị Sen (ngụ xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) kể.
Phát biểu sau khi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ ở huyện Hương Khê, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500 m3/giây đến 1.800 m3/giây đã làm người dân trở tay không kịp. Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, khẳng định việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô là chưa bảo đảm quy trình. Ngoài ra, thời điểm xả lũ vào buổi tối, thời gian quá gấp làm nước lên nhanh nên người dân không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Lũ còn làm hư hỏng gần 20 km đường sắt đoạn qua huyện Hương Khê.
Đ.Ngọc
Bình luận (0)