xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền Trung thiệt hại kinh hoàng do bão số 10

Văn Duẩn- Hoàng Dũng- Viết Hai

(NLĐO)- Theo thống kê sơ bộ, tính đến sáng nay 1-10, bão số 10 đã khiến 3 người chết, 35 người bị thương, 95.401 nhà bị tốc mái, 246 nhà bị sập, 30 tàu thuyền chìm và hỏng, hàng chục km đê sạt lở, cột điện gãy đổ, hoa màu bị tàn phá...

img
Một nhà dân ở Bố Trạch, Quảng Bình sau bão. Ảnh: Ph. Tứ
 
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, thống kê chưa đầy đủ tại các tỉnh miền Trung cho thấy những thiệt hại kinh hoàng mà cơn bão số 10 gây ra vào chiều qua 30-9. Tính đến sáng nay 1-10, bão số 10 đã khiến 3 người chết, 35 người bị thương, 95.401 nhà bị tốc mái,  246 nhà bị sập, 30 tàu thuyền chìm và hỏng,  hàng chục km đê sạt lở, cột điện gãy đổ, hoa màu bị tàn phá...
 
Tại tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 20 giờ ngày 30-9, đã có 3 người bị thương, 1.369 nhà, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái, 203 nhà bị ngập, 160 m hàng rào bị đổ; 14,25 km kênh mương bị sạt lở, nhiều cây cối bị đổ và 2 thuyền gỗ tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh bị sóng đánh trôi.

img
Sáng 1- 10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát tình hình thiệt hại do bão số 10 tại huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới. Ảnh: H.Dũng

Tại tỉnh Quảng Bình, tính đến 6 giờ sáng nay (1-10), có 3 người chết là anh Lê Thanh Nghị (SN 1972), anh Nguyễn Chí Thành (SN 1973) tử vong do cột ăng ten phát sóng ở TP Đồng Hới gãy đè lên; anh Hồ Trung Thuần (SN1973) bị tường sập đè lên.
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 13 người bị thương, 26 nhà bị sập (ở huyện Minh Hóa) và 89.998 nhà bị tốc mái. Huyện Minh Hóa thiệt hại nặng với 3 trường học ở xã Trọng Hóa và Bệnh viện đa khoa huyện bị tốc mái; Trường Trung tâm chính trị huyện bị sập 100 m hàng rào.
 
Ngoài ra, có 10.000 ha cao su bị gãy đổ; 1 cột ăng-ten phát sóng bị sập; nhiều cây cối, cột điện bị gãy đổ; 28 tàu thuyền đánh cá bị chìm và hư hỏng tại bến. Trong đó, 16 tàu bị chìm (12 tàu 90CV, 4 tàu 45CV)  và 12 tàu 90CV bị sóng đẩy lên bãi cát gây hư hỏng.

Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Người Lao Động, sau khi bão số 10 đi qua, toàn bộ hệ thống trụ điện tín hiệu đường sắt dọc theo Quảng Bình bị ngã đổ. Sáng 1-1, có mặt tại TP Đồng Hới- nơi tâm bão đi qua, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang tàn, tan nát bao trùm cả thành phố này. Toàn thành phố Đồng Hới bị cúp điện hoàn toàn. Hầu hết các công ty, cửa hàng đều nghỉ bán để lo khắc phục bão gây ra.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, một người dân ở TP Đồng Hới, cho biết cơn bão đổ bộ vào TP Đông Hới lúc khoảng 13 giờ ngày 30-9, và kéo dài đến 17 giờ cùng ngày mới ngớt gió. “Tôi sống gần 70 năm rồi, bây giờ mới chứng kiến một cơn bão mạnh như thế này. Lúc bão vào kèm theo mưa khiến trời mù mịt, gió gầm rú kinh hoàng. Khiếp quá”, bà Hạnh bộc bạch. Trong khi đó, điện cúp nên nước cũng bị cúp, khiến cho cuộc sống người dân toàn TP Đồng Hới sống trong cảnh khó khăn chồng chất.

Sáng cùng ngày, hàng ngàn người dân đổ xô đi mua tôn, xi măng về sửa sang nhà cửa, khiến cho các cửa hàng vật liệu xây dựng bị cháy hàng. Theo điện lực Quảng Bình, ít nhất đến ngày 2-10, mới có thể khắc phục được điện ở một số khu vực trong nội thị thành phố Đồng Hới. 

img
Cột ăng ten của TP Đồng Hới bị gãy đổi trong cơn bão

img
Cây bị gãy đổ ở khắp nơi tại TP Đồng Hới, Quảng Bình

img
Nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau bão

img
Bão thổi bay mất mái nhà

img
Cột điện bị gãy đổ ở khắp nơi

img
Đổ nát sau khi bão đi qua

img
Một cây xăng bị bay mất mái nhà

img
Người dân sửa chữa lại nhà cửa sau bão

img
Các cửa hàng bán vật liệu xây dựng cháy hàng vì không đủ hàng bán cho người dân sửa nhà sau bão. Ảnh: Hoàng Dũng

Tại tỉnh Quảng Trị, tính đến 6 giờ sáng nay 1-10, bão số 10 khiến 17 người bị thương; 11 nhà bị sập, 3.666 nhà bị tốc mái, nhiều lều, chòi, trại chăn nuôi bị hư hỏng. 30 điểm trường học với hơn 200 phòng bị tốc mái, hư hỏng; 3 điểm bệnh viện, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng; 20 trụ sở công cộng khác bị tốc mái.
 
Gần 6.900 ha cây cao su bị đổ gãy, 500 ha tiêu, 3.500 ha sắn, 2.000 ha hoa màu bị thiệt hại; 12.000 ha rừng, 12 ha cây ăn quả, khoảng 10.000 cây và hơn 500 ha tôm bị thiệt hại.
 
Công trình cầu máng Như Lệ ở thị xã Quảng Trị bị hư hỏng; 1,2 km đê kè Gio Việt bị sạt lở.
 
Về hệ thống điện, 35 cột cao thế, 74 cột hạ thế bị nghiêng, đổ. Đường dây cao thế, hạ thế bị đứt hơn 100 vị trí.
 
Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, tính đến sáng nay 1-10 đã có 2 người bị thương, 6 nhà bị sập, 368 nhà bị tốc mái.
 
159,5 ha hoa màu, 38 ha mía, 38,5 ha khoai lang, 10 ha sắn bị thiệt hại, 3,4 ha cây công nghiệp bị gãy đổ. Hơn 220 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị sạt lở với khối lượng sạt lở trên 23.000 m3.
 
Hơn 24,1km bờ sông bị sạt lở, tập trung ở sông Hương (5,5km), sông Bồ (8,6 km), sông Truồi (2,5 km), Bù Lu (1,5km), Khe Tre (1 km), Tả Rình (2 km) và Ô Lâu (3 km). Hơn 5 km bờ biển bị sạt lở nặng.
 
20,5 km đê bị sạt lở. Trong đó, đê Hữu sông Hương sạt 4 km, đê Tây phá Tam Giang 1 km, đê Đông phá Tam Giang 6,5 km, đê Tây Phá Cầu Hai 9 km.
 
Nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị ngập từ 0,2 - 0,5 m. Hơn 40 biển báo giao thông bị đổ gãy. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. 5 cột điện trung thế, 10 cột hạ thế bị đổ.
 
Tỉnh Thừa Thiên- Huế kiến nghị hỗ trợ trước mắt 25 tỉ đồng (5 tỉ đồng khắc phục khẩn cấp đời sống nhân dân, nhà cửa bị sập, tốc mái; 10 tỉ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển; 10 tỉ đồng khắc phục bước đầu cơ sở hạ tầng.

Quảng Nam: Bờ biển Cửa Đại (Hội An) tan nát

img
Rừng phi lao bị tàn phá

img
Bên trong bờ kè cũng bị xói lở nghiêm trọng

Những ngay qua hoàn lưu bão gây mưa lớn, gió giật mạnh, biển động dữ dội đã làm bờ biển thuộc phường Cửa Đại bị tàn phá nghiêm trọng. Quãng bờ biển giữa 2 khu nghỉ dưỡng Fusion Alya và Vinpearl Resort  Hội An  hơn 100 m và giữa 2 khu nghỉ dưỡng Golden Sand-Victoria hơn 250 m bị xói lở sâu vào đất liền hơn 40 m.

Nhìn cảnh tượng bờ biển bị thiên tai tàn phá nặng nề, cả chính quyền, người dân và chủ đầu tư đều lắc đầu ngao ngán vì đã nỗ lực hết mình để ứng phó nhưng quả là thiên tai khó lường. Ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, cho biết chỉ cần một cơn bão nữa thì biển sẽ xói vào tận đường lộ, chia cắt khu dân cư thành một sông lở như đã từng xảy ra vào năm 1989.

img
20 kè đã xây dựng của Khu nghỉ dưỡng Fusion bị cuốn xuống biển phải dùng bao cát kè tạm

Được biết, toàn bờ biển Hội An có hơn 7km, riêng đoạn bờ thuộc phường Cửa Đại dài khoảng 4km thường xuyên bị đe dọa. Năm 2011, một đoạn bờ bị xói lở nên Thủ tướng chỉ đạo trung ương tạo điều kiện cho địa phương xây dựng bờ kè 714 m, trị giá hơn 55 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sinh cũng cho biết: “Từ 2003 đến nay, bờ biển Cửa Đại bị xâm thực vào đất liền hơn 150 m. Mỗi năm bình quân mất 15 m đất bờ biển.

Nếu không có giải pháp kè kiên cố bảo vệ bờ biển Cửa Đại thì không chỉ sinh hoạt của người dân bị xáo trộn mà kinh tế du lịch dọc tuyến biển thành phố Hội An cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; vì chỉ riêng phường Cửa Đại đã có đến 6 khu nghỉ dưỡng từ 4 đến 5 sao đã và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động”.

 
Bão số 10 suy yếu, đề phòng lũ quét, sạt lở đất
 
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 10 hiện đã suy yếu và di chuyển về phía Trung Lào. Tuy nhiên, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 28m/s (cấp 10); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 43m/s (cấp 14). Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 33m/s (cấp 12); Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; riêng Tp Đồng Hới, có gió giật mạnh 35m/s (cấp 12); Ba Đồn có gió giật mạnh 44m/s (cấp 14). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm.

Theo bản tin cuối cùng về bão số 10 được phát đi lúc 3 giờ 30 của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 1 giờ sáng nay (1-10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ Bắc; 104,4 độ kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 
 
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). 
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thủy văn và thời tiết tiếp theo. 
 
Do ảnh hưởng của bão số 10, ở Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Do mưa lớn, lũ trên các sông ở Quảng Bình đang lên. Lúc 20 giờ ngày 30-9, mực nước trên sông Giang tại Mai Hóa là 5,02 m, trên báo động (BĐ) 2: 0,02 m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 1,71 m, trên BĐ1: 0,51 m.
 
Dự báo,  hôm nay lũ trên các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức BĐ 2. Cụ thể mực nước đỉnh lũ sông Giang tại Mai Hóa ở mức 5,5 m, trên BĐ 2: 0,5 m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,2 m, ở mức BĐ 2.
 
Lũ trên các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh cũng đang lên. Đến chiều tối nay, mực nước thượng nguồn sông La có khả năng lên mức BĐ 1- BĐ 2, hạ lưu sông La và sông Cả lên mức BĐ 1.
 
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo