Từ tháng 3-2016, Báo Người Lao Động đã phản ánh trên đỉnh Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hòn Bà tồn tại 5 bungalow (dạng nhà ở nhỏ, riêng biệt), 3 bãi đất cắm trại rộng gần 300 m2 và một số công trình khác do Công ty CP Yasaka Sài Gòn - Nha Trang xây dựng, phục vụ Khu du lịch Hòn Bà - Yersin.
“Đúng pháp luật”
Các công trình kể trên tồn tại đến nay mặc dù từ năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt hành chính Công ty CP Yasaka Sài Gòn - Nha Trang 125 triệu đồng do vi phạm về môi trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết trước đây, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa có quy hoạch, ý định đầu tư vào Khu BTTN Hòn Bà làm du lịch. Hiện tại, UBND tỉnh có chủ trương cho làm cáp treo phục vụ du lịch ở đây.
Bà Phan Lan Anh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hòn Bà, xác nhận từ tháng 8-2015, công ty này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu xây dựng cáp treo ở Hòn Bà. Theo đó, công ty này xin đầu tư tuyến cáp treo và khu dịch vụ sinh thái, du lịch văn hóa Hòn Bà - Yersin với các hạng mục chính, gồm: tuyến đường từ khu mộ bác sĩ A. Yersin nối vào đường lên Hòn Bà dài khoảng 1,3 km; khu ga đi cáp treo và dịch vụ tổng hợp; khu du lịch Hòn Bà - Yersin; tuyến cáp treo. Khu du lịch Hòn Bà - Yersin dự kiến sử dụng khoảng 190 ha ở khu vực đỉnh Hòn Bà. Giai đoạn 1 rộng khoảng 150 ha với diện tích các phân khu chức năng có xây dựng công trình dưới 50 ha; còn lại là đất cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, diện tích dự trữ phát triển cảnh quan giai đoạn 2... Riêng tuyến cáp treo dự kiến tổng chiều dài 6,2 km của hãng Poma (Pháp) có điểm đầu ở độ cao trên 300 m tại khu vực suối Đá Hàn, năng lực vận chuyển 1.200-1.500 khách/giờ, vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Ngày 10-8, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định điều chỉnh các phân khu chức năng Khu BTTN Hòn Bà theo hướng chuyển hơn 104 ha (trong đó hơn 102 ha là đất rừng tự nhiên) tại phân khu vùng bảo vệ nghiêm ngặt thành phân khu dịch vụ, hành chính. Sau điều chỉnh, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt còn khoảng 9.520 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 9.553 ha và phân khu dịch vụ hành chính tăng lên trên 213 ha (trước kia chỉ hơn 108 ha). Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, mục đích của việc chuyển đổi, điều chỉnh này là cho phù hợp với việc bảo tồn, quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Hòn Bà; bảo đảm vừa đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn, vừa tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Lê Phước Đức, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa, thông tin rằng việc chuyển đổi nêu trên được hội đồng thẩm định của tỉnh thông qua và Bộ NN-PTNT đã có ý kiến nên đúng pháp luật. Trước đây, theo kết quả rà soát 3 loại rừng thì diện tích 104 ha chuyển đổi lần này nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Khi làm quy hoạch điều chỉnh vào năm 2012, diện tích này được vào quy hoạch rừng đặc dụng. Tuy nhiên, khu vực này thời bác sĩ Yersin đã có chuồng ngựa, vườn cây thuốc..., hệ sinh thái không còn nguyên vẹn nên việc đưa 104 ha vào phân khu dịch vụ hành chính là phù hợp hiện trạng.
Cần cam kết cụ thể
Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cho rằng trước mắt việc chuyển đổi không ảnh hưởng cảnh quan, môi trường sinh thái, hệ động - thực vật vì chỉ điều chỉnh ranh giới, diện tích các phân khu, không tác động đến hiện trạng. Thời gian tới, nếu có dự án phù hợp quy hoạch thì tỉnh sẽ xem xét, quyết định. Việc phát triển dự án có bảo đảm môi trường hay không còn tùy thuộc vào tính chất, quy mô. Bởi lẽ, nếu tác động đến môi trường thì cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Trường hợp dự án thuê môi trường rừng thì đương nhiên không tác động đến môi trường.
Ông Lê Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hội Ái mộ Yersin, lo ngại: “Nếu làm du lịch mà bao trùm luôn cả khu nhà bác sĩ Yersin chắc chắn sẽ có ảnh hưởng chất thải từ các hoạt động vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi của du khách. Bên cạnh đó, khu di tích quốc gia mất tính tôn nghiêm thờ tự. Nếu chấp nhận cho làm du lịch ở Hòn Bà thì cần bàn bạc cẩn thận, có quy tắc, quy chế, cam kết cụ thể”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - cho biết rừng Hòn Bà thuộc khu vực bảo tồn nghiêm ngặt. Mọi tác động vào đây sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như làm dự án phải được xem xét, giám sát kỹ càng.
Nhiều động - thực vật quý hiếm
Khu BTTN Hòn Bà có diện tích gần 19.300 ha, độ cao tuyệt đối là 1.578 m so với mặt biển. Nơi này gắn với bác sĩ người Pháp A. Yersin trong hoạt động nghiên cứu y học, dược học từ những năm đầu thế kỷ XX. Tại đây có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, thuộc 401 chi và 120 họ; hệ động vật rừng gồm 255 loài thuộc 88 họ. Trong đó, 41 loài thực vật và 59 loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ, như: thông 2 lá dẹp, voọc chà vá chân đen, vượn bạc má...
Bình luận (0)