Do phải hoàn tất các thủ tục đầu tư nên tour du ngoạn bằng thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ khai trương hoạt động vào quý I/2015 thay vì tháng 12 năm nay như dự kiến. Đây là tour thủy nội địa đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến kênh nằm trong lòng TP HCM được chính quyền thành phố đầu tư rất nhiều kinh phí để cải tạo chỉnh trang.
Ngồi thuyền ngắm thành phố thu nhỏ
Theo Sở Du lịch TP HCM, nét độc đáo của tour du ngoạn này là hạn chế sử dụng thuyền có động cơ, thay vào đó dùng thuyền chèo tay tránh ảnh hưởng môi trường sinh thái của các loại cá sinh sống dưới kênh. Khách du ngoạn trên thuyền còn được nghe nhạc trữ tình, đờn ca tài tử, ăn nhẹ và ngắm nhà cao tầng, các khu cao ốc, trung tâm hiện đại của TP HCM - một hình thức du ngoạn ngắm cảnh như các nước châu Âu đã có lâu nay.
Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng Phòng Lữ hành Sở Du lịch TP, cho biết: Hiện Công ty Thuyền Sài Gòn (Saigon Boat Tour) cùng Sở Giao thông Vận tải đang hoàn tất các thủ tục xây dựng cầu tàu, bến đỗ và chuẩn bị phương tiện để tour sớm đi vào hoạt động.
Công ty Thuyền Sài Gòn nhận định tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,7 km qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh - nơi tập trung nhiều cảnh quan kiến trúc đặc trưng của TP - có nhiều tiềm năng và tiện lợi để công ty quyết định mở tour. “Với chiều dài gần 9 km, du khách sẽ thích thú khi ngồi thuyền dạo kênh và có dịp ngắm TP HCM thu nhỏ” - lãnh đạo công ty kỳ vọng.
Dự kiến sẽ có 10 thuyền du lịch chèo tay, mỗi thuyền có sức chứa 20 người đưa khách du ngoạn cảnh quan dọc kênh (đoạn từ Thảo Cầm Viên đến gần chùa Vĩnh Nghiêm) trong khoảng 2 giờ. Ngoài ra, chủ đầu tư còn bố trí 10 thuyền chạy bằng máy phục vụ khách tham quan từ Bến Nhà Rồng đến Bến Bình Đông trong khoảng 1 giờ. Dự kiến sẽ có 2 bến thuyền ở gần Thảo Cầm Viên và chùa Vĩnh Nghiêm để thuận tiện đón tiễn khách.
Đánh giá về tour du ngoạn mới này, ông Anh cho rằng hình thức du ngoạn trên sông bằng thuyền tuy không mới vì trước đó, một số đơn vị đã mở như tuyến dọc rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hũ, tour Bạch Đằng - Bình Qưới, Bạch Đằng - Củ Chi và tour vào làng du lịch nghệ nhân Hàm Long (quận 2) nhưng đây lần đầu tiên thành phố có tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, con kênh ô nhiễm nhiều năm nay đang dần hồi sinh. “Chúng tôi cũng hy vọng tour du ngoạn này sẽ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân sống dọc hai bờ kênh” - ông Anh chia sẻ.
Lo ngại mùi hôi
TP HCM đã đầu tư gần 10.000 tỉ đồng để thay đổi tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường ven kênh. Tuy nhiên, do nước thải chưa được xử lý trước khi đổ ra kênh (năm 2015, thành phố mới triển khai giai đoạn xử lý nước thải) nên mùi hôi của tuyến kênh này e sẽ khó hấp dẫn du khách.
Ông Trần Văn Long (ngụ đường Hoàng Sa, quận 3), người sống ở ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã 30 năm, chia sẻ: “Nghe tin dòng kênh này có mở tuyến du lịch bằng thuyền khiến tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là thành phố có thể tận dụng dòng kênh để phát triển du lịch, tăng thêm nguồn thu, rồi từ đó mọi người sẽ có ý thức bảo vệ môi trường; lo là nếu không giải quyết được triệt để mùi hôi thì khó lòng kêu gọi du khách lên thuyền du ngoạn”.
Nghe thông tin sẽ có tuyến du lịch dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bà Nguyễn Thị Ba (ngụ đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) phấn khởi: “Cứ xem mọi người thả cá xuống kênh thì biết kênh này hồi sinh như thế nào. Người dân chúng tôi rất hoan nghênh việc thành phố đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp mở tuyến du lịch bằng thuyền vì qua đó kêu gọi người dân ý thức việc xả rác, câu cá ở lòng kênh. Vấn đề quan trọng là làm sao xử lý triệt để mùi hôi, nhất là vào những ngày nắng nóng”.
Du lịch thủy nội địa còn nhiều rào cản
Theo Sở Du lịch TP, hiện tour đi thuyền trên rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hũ tuy hấp dẫn khách nhờ một số điểm tham quan như khu phố cổ người Hoa, ăn món chay của chùa Long Hoa nhưng tour này chỉ hoạt động một vài ngày trong tháng (ngày rằm, 16 âm lịch).
Riêng tuyến tham quan làng nghệ nhân Hàm Long, khách chủ yếu đi đường bộ vì khu này đang vướng quy hoạch, chưa thể xây dựng cầu tàu, bến đỗ, các điểm dừng đón khách... Còn tuyến Bạch Đằng - Bình Quới đã có từ lâu nhưng muốn hút khách, đơn vị khai thác cần nâng cấp cầu tàu, bến đỗ. Riêng tuyến Bạch Đằng - Củ Chi, doanh nghiệp khai thác tuyến này lại đau đầu vì lục bình, bèo quá nhiều trên sông khiến tàu thuyền hoạt động khó khăn.
Theo một lãnh đạo Sở Du lịch TP, du lịch thủy nội địa ở TP HCM là loại hình đang được khuyến khích phát triển nhằm góp phần tạo nét sinh động cho bộ mặt du lịch TP. Tuy nhiên, do gặp không ít rào cản như đặc điểm địa lý, môi trường, kể cả sự phối hợp chưa đồng bộ của các sở, ngành chức năng nên kết quả mang lại còn hạn chế.
T.Hồng
Bình luận (0)