Ngày làm việc thứ 4, 25-5, Quốc hội (QH) cho ý kiến tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN).
Đang bừng bừng khí thế nhưng...
Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tiếc nuối khi cho rằng năm 2017, chúng ta tin tưởng tình hình kinh tế phát triển tốt với mức tăng trưởng theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII là 6,5%-7%, không ngờ bị tác động bởi 2 vấn đề mang tính khách quan: giá dầu giảm và điện thoại Galaxy Note 7 bị sự cố. Trong đó, với riêng sự cố điện thoại Galaxy Note 7, chúng ta đã mất 1 tỉ USD, tương đương 0,5% GDP.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn: "Quý I đang bừng bừng khí thế, tình hình thuận lợi hơn hẳn năm ngoái khi không bị thiên tai, sự cố Formosa đã cơ bản khắc phục... Thiên thời, địa lợi, nhân hòa (có đủ) vậy mà sao tăng trưởng kinh tế vẫn thấp, sao GDP chưa chịu tăng theo?".
Cho ý kiến thảo luận tại Đoàn Đại biểu (ĐB) QH TP HCM với việc quý I tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%, thấp nhất so với cùng kỳ trong 4 năm qua, ĐB Trần Hoàng Ngân lý giải: "Nguyên nhân là do Tập đoàn Samsung thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Qua đây cũng cảnh báo nếu chúng ta dựa vào các tập đoàn lớn của nước ngoài thì khi họ gặp rủi ro, nó sẽ tác động tới GDP". Ông Ngân tư vấn cần nâng cao các tập đoàn tự chủ của nước ta, đặc biệt là tập đoàn kinh tế tư nhân.
Đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM phát biểu tại buổi thảo luận tổ Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tăng trưởng chậm vì đà suy giảm của dầu khí là không thể cưỡng được và sẽ ảnh hưởng lớn đến thu NSNN cũng như đóng góp cho việc tăng trưởng GDP. Dù cho biết thực hiện mục tiêu của Chính phủ là tăng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu trong năm nay nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định không thể kỳ vọng khai thác dầu thô đem lại tăng trưởng như từ năm 2016 về trước, cũng không chủ trương khai thác tài nguyên bằng mọi giá nhưng cần cơ chế phù hợp để công nghiệp khai khoáng đóng góp đáng kể.
ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, nhìn nhận: "Chúng ta bơm thêm dầu, khai thác khoáng sản, chuyển quyền sử dụng đất thu tiền… thì không khác gì đào đất lên bán, đó không phải là tăng trưởng. Tăng trưởng ở đây là nâng cao năng suất lao động, sử dụng người tài, áp dụng công nghệ chứ không phải ở chỗ hút, đào tài nguyên lên để bán".
"Giải cứu" đến bao giờ?
ĐB Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) chua xót đặt vấn đề khi nói về nền nông nghiệp "giải cứu". Theo bà Hồng, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm thấp là do tái cơ cấu kinh tế chậm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Thời gian qua, chúng ta phải giải cứu từ thanh long, dưa hấu, thịt heo; liệu tới đây có phải là ớt, cà chua...? Thức ăn nuôi heo tăng giá, giá bán thịt ngoài chợ tăng nhưng giá heo hơi vẫn giảm. Nghiên cứu thị trường ở đâu? Trái cây rất nhiều nhưng sao vẫn nhập khẩu lớn từ các nước về? Nông nghiệp cứ loay hoay thế này thì đến bao giờ mới khắc phục được tình trạng trên? Rất khổ cho bà con nông dân" - ĐB Hồng bức xúc.
ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Hiển, đánh giá việc giải cứu từ heo đến hàng loạt nông sản thời gian qua đều không đem lại hiệu quả. "Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của nước ta, tác động sâu rộng đến nền kinh tế trong nước. Tôi đề nghị cần có đánh giá sâu hơn vai trò quản lý của nhà nước đối với thị trường này, đặc biệt trong chiến lược xuất nhập khẩu và cách thức quản lý. Phải làm sao để chúng ta ít bị ảnh hưởng và ít bị động đối với những thay đổi chính sách của nước bạn. Không thể để mỗi lần nước bạn "hắt hơi sổ mũi" là chúng ta lại giải cứu như thế" - ông Hiển bày tỏ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay giải cứu thịt heo là hệ quả đáng buồn của việc không quản lý tốt tổ chức sản xuất. Đặc điểm mới đáng chú ý nhất của thương mại thế giới là gia tăng bảo hộ nội địa nên tăng trưởng xuất khẩu sẽ khó khăn. Do vậy, nếu không tổ chức sản xuất tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm thì dù có mở thêm thị trường, thuế suất giảm cũng chưa chắc vào được khi vấp phải hàng rào kỹ thuật và câu chuyện trứng gà xuất khẩu là minh chứng tiếp theo.
Bộ máy gây điểm nóng
Thượng tướng Nguyễn Văn Được (Hà Nội), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, bày tỏ suy nghĩ về vấn đề bộ máy, con người trong công tác quản lý, điều hành. Theo ông Được, dù không thiếu văn bản chỉ đạo từ trên xuống dưới nhưng công việc vẫn ì ạch, không trôi chảy, hiệu quả chưa tốt là do bộ máy cồng kềnh, nhiều thành phần, "trên có gì dưới có đó" mà hiệu quả chưa tốt, chưa đúng tầm.
Ông Được dẫn chứng thời gian qua xảy ra điểm nóng ở nhiều nơi nhưng chính quyền không điều hành được, không chỉ huy, phân công được; các đoàn thể rất nhiều nhưng không đoàn thể nào đứng ra xử lý vấn đề này. "Nếu tình hình căng như năm 2001 ở Tây Nguyên, tôi nghĩ còn phức tạp hơn nữa. Các vụ việc ở Hà Tĩnh, đoàn thể có ai đâu? Chính quyền có mặt đấy nhưng có chỉ huy, chỉ đạo gì đâu? Cứ mạnh ai nấy làm. Ở Hà Nội có vụ Mỹ Đức, cán bộ không báo cáo đúng, nắm tình hình không chắc, sợ khuyết điểm, đến khi có tình huống xảy ra thì như gà mắc tóc" - ông Được chỉ rõ.
Theo ông Được, phải quan tâm bộ máy cán bộ, không để tình hình phức tạp như đã xảy ra. "Như vừa qua ở Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi phải đưa 350 cựu chiến binh ra kêu gọi, động viên mới ổn định, còn lại không thấy ai hết" - ông Được ví dụ, đồng thời phân tích sâu hơn rằng có hiện tượng cán bộ ăn chặn tiền của dân, bán đất lấy tiền của dân thì làm sao dân tin được?
Dẫn câu chuyện về Đồng Tâm để đề cập những tồn tại trong Luật Đất đai, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh: "Trong phát biểu về vụ Đồng Tâm ở Hà Nội, tôi nói 2 nguyên nhân chính là chính sách đất đai chậm sửa đổi và đối thoại của người đứng đầu cấp ủy không tiến hành thường xuyên, sợ dân không dám đối thoại khiến khiếu kiện vượt cấp kéo dài".
Theo ông Vân, chúng ta duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng phải phân loại đất quốc phòng, đất công cộng để có chế độ pháp lý riêng. Còn lại là đất phục vụ cho các mục tiêu kinh tế có giá trị lợi nhuận thì phải sòng phẳng theo cơ chế thị trường.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, thẳng thắn cho biết về vụ Đồng Tâm ông đã trao đổi với Thủ tướng và đề nghị bóc băng toàn bộ cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền Hà Nội với nhân dân Đồng Tâm để ĐBQH có cái nhìn đa chiều, toàn diện và giám sát vụ việc. "Vì như Thủ tướng đã nói, sai là ở chính quyền. Tôi luôn theo dõi sát vụ này" - ông Nhưỡng cho hay.
Nhìn rộng hơn, ông Nhưỡng nói cần đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền. "Nhiều nơi, dân nửa đêm gọi điện cho tôi phàn nàn cát tặc mà gọi cho chính quyền không ai tới, thậm chí còn tắt máy. Như vậy, cát tặc không ở đâu xa, ở ngay trong lòng những người có trách nhiệm" - ông Nhưỡng gay gắt.
Cũng góp ý về công tác cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng vấn đề kỷ luật hành chính và phân cấp, phân quyền là 2 vấn đề mấu chốt trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như giữa trung ương với địa phương. Theo ông, bộ máy cồng kềnh, trì trệ kéo dài chẳng qua là việc phân cấp, phân quyền của chúng ta hiện nay còn quá nhiều vấn đề. Có những việc rất nhỏ nhưng quy trình thủ tục quá rườm rà, phức tạp.
"Nhiều lần tôi nói với các địa phương là tôi xin ý kiến giao cho địa phương làm luôn, bộ chỉ làm hậu kiểm nhưng chúng ta làm quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định như thế kéo dài thời gian, bộ máy rườm rà. Phân cấp để ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm, chứ không phải khi làm sai lôi hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu trách nhiệm" - ông Tân nhìn nhận.
Chính phủ không bán bia, sữa
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng trong công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tâm lý của lãnh đạo doanh nghiệp là nghe ngóng, trông chờ ai là chủ sở hữu của doanh nghiệp.
"Nếu Thủ tướng không quyết liệt đưa bộ máy này vào hoạt động thì công tác cổ phần hóa rất khó khăn, như vậy sẽ rất khó rút vốn từ các doanh nghiệp nhà nước. Tôi đề nghị Thủ tướng kiên quyết thực hiện tuyên bố của Thủ tướng là Chính phủ không bán bia, bán sữa" - ông Kiên nêu rõ.
Đánh giá nghiêm túc vấn đề môi trường
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cảnh báo một trong những nguyên nhân có thể tác động tới GDP là ảnh hưởng bởi tác động môi trường. "Việc Formosa Hà Tĩnh đã tác động đa lĩnh vực, kể cả thủy sản, công nghiệp, du lịch… Những nguyên nhân này cảnh báo chúng ta từ năm 2017 trở đi đừng để xảy ra, nếu không thì nó tác động tới GDP. Yếu tố môi trường cần được đánh giá nghiêm túc hơn" - ông Ngân nhấn mạnh.
ĐB Trương Trọng Nghĩa lên tiếng mạnh mẽ: "GDP lạc hậu rồi, đừng có cắm đầu vào GDP. Cái giá phải trả là gì, môi trường, con người, y tế, giáo dục, cái giá dài hạn…? Có nên bình tĩnh lại?". Ông Nghĩa cho rằng các giải pháp về môi trường quá ít và đề nghị phải thêm vào báo cáo của Chính phủ và QH về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thiên nhiên, di sản. "Tôi nêu ví dụ như Sơn Trà, Cát Bà, Hạ Long, Sơn Đoòng, những tài nguyên thiên nhiên này giá trị cực lớn, của nhiều thế hệ. Giữ cái đó chính là tiền của, thiên nhiên. Người ta đến đây hưởng thiên nhiên chứ không phải xem cột nhà. Nếu Sơn Trà xây một loạt biệt thự thì thế giới đâu có thiếu!" - ông nhận xét.
Bình luận (0)