Ngày 29-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2016.
“Tôi phân vân, suy nghĩ chuyện này lắm”
Đáng chú ý, tại phiên họp, lãnh đạo UBND TP HCM đề cập khó khăn từ việc tỉ lệ ngân sách mà TP được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18% thời gian tới. Lãnh đạo TP HCM đề nghị trước mắt chỉ giảm còn 21%.
Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng tỉ lệ phân bổ ngân sách đã được tính toán rất kỹ. “Tôi phân vân, suy nghĩ chuyện này lắm. Trung ương cũng cố gắng quan tâm tới TP HCM. Anh em ở các bộ rất vất vả tính toán, 1% của TP HCM ảnh hưởng lớn tới cả nước” - Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng chỉ rõ mặc dù tỉ lệ có giảm nhưng con số tuyệt đối lại tăng lên. Chưa kể, TP HCM còn được trung ương đầu tư 5 dự án ODA với số vốn gần 100.000 tỉ đồng, các dự án chống ngập, xây dựng 2 bệnh viện lớn trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng… “TP HCM còn nhiều vấn đề như kẹt xe, bụi bặm, ngập nước… nhưng mong các đồng chí cố gắng tìm thêm nguồn khác. Cả nước còn nhiều vùng rất khó khăn như ở Cà Mau, Lạng Sơn, Cao Bằng…, bà con rất khó khăn, đường đi không có, hàng hóa không tự sản xuất được. Chúng tôi sẽ lắng nghe, cố gắng tìm nguồn vốn cho các đồng chí. Mong các đồng chí báo cáo lại với nhân dân TP thông cảm, cùng đồng cam cộng khổ với cả nước” - Thủ tướng đề nghị.
Cân bằng 2 yếu tố
Trước đó, sau khi Bộ Tài chính xem xét, đề nghị cân đối lại tỉ lệ điều tiết ngân sách ổn định cho các địa phương trong giai đoạn mới (2017-2020), một số ý kiến cho rằng việc giảm tỉ lệ ngân sách được giữ lại đã gây khó khăn cho một số địa phương như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết trong tính toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính luôn cân bằng 2 yếu tố phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, việc điều hòa ngân sách giữa địa phương và trung ương đã được Bộ Tài chính tính toán kỹ, sao cho vừa bảo đảm chia sẻ khó khăn với các tỉnh nghèo vừa thúc đẩy phát triển ở các TP lớn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, mặc dù tỉ lệ thu ngân sách để lại cho TP HCM năm 2017 dự kiến giảm từ 23% còn 18% nhưng để bảo đảm nhu cầu chi của TP HCM, Bộ Tài chính đã tính đến một số ưu tiên lớn cho địa phương này, định mức chi tính trên đầu người của TP HCM đã cao gấp 1,7 lần so với địa phương khác. Ngoài ra, TP HCM cũng có nhiều công trình trung ương đầu tư. Cụ thể, ngân sách trung ương còn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng cho một số dự án xã hội, trong đó có ít nhất 3.200 tỉ đồng xây dựng bệnh viện tuyến cuối (bệnh viện ung bướu và nhi). “Nếu tính cả nguồn bổ sung từ ngân sách trung ương này thì tỉ lệ điều tiết cho TP HCM không phải 18% mà là 22%” - ông Hưng phân tích.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, TP HCM còn tiếp tục nhận được vốn ODA 3 tỉ USD để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, xử lý hệ thống cấp thoát nước, các vấn đề môi trường và Chính phủ còn cho vay lại trên dưới 1 tỉ USD. Trong khi đó, nếu TP HCM tiếp tục vượt thu sẽ có thưởng theo quy định. “Như vậy, nguồn lực phân bổ cho TP HCM năm 2017 không phải giảm mà chỉ là không tăng theo nhu cầu của địa phương này” - ông Hưng nói.
Tăng trưởng GDP cả năm 6,3%-6,5%
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng mới đạt 5,93%. Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng liên quan đến nhiều chỉ tiêu khác, nhất là vấn đề nợ công, nên phải có giải pháp bảo đảm tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra từ 6,3%-6,5% cả năm. “Trong đó có biện pháp giải ngân vốn đầu tư. Tôi đã phê bình một số bộ, ngành liên quan do chậm giải ngân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay, Thủ tướng lưu ý tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ chỉ số không vượt quá chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
50 tỉnh, thành nhận bổ sung ngân sách
Làm rõ thêm về một số thay đổi trong việc phân chia ngân sách năm 2017, ông Võ Thành Hưng cho biết ngân sách địa phương hiện có khác biệt rất lớn khi 2 đầu tàu kinh tế và 13 tỉnh, thành trọng điểm chiếm tới 80% thu ngân sách, các địa phương còn lại chỉ chiếm 20%. Trong đó, nhiều địa phương có số thu năm 2016 không tăng so với năm 2011. Có tới 50 tỉnh, thành vẫn phải nhận nguồn bổ sung cân đối ngân sách hằng năm. Tỉnh nghèo nhất là Bắc Kạn có số thu cả năm chỉ 600 tỉ đồng, chưa bằng 1 ngày thu của TP HCM nhưng vẫn phải chi hàng ngàn tỉ đồng để duy trì bộ máy hành chính từ cấp tỉnh đến xã. Ngay cả khi tỉnh này năm 2016 dự kiến tăng được 1,6 lần thu ngân sách so với năm 2011 nhưng số tăng tuyệt đối chỉ được 70 tỉ đồng nên vẫn rất khó khăn.
Bình luận (0)