Ngày 28-10, UBND TP HCM đã họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu - chi ngân sách tháng 10 và 10 tháng của năm 2016.
Chống ô nhiễm
Theo UBND TP HCM, TP đã khảo sát thực tế KCN Lê Minh Xuân 3 để đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12; rà soát danh sách di dời do không phù hợp quy hoạch đợt 2 năm 2016.
TP HCM đã xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết sự cố môi trường đối với bãi chôn lấp và khu liên hợp; tăng cường giám sát, theo dõi, chỉ đạo kịp thời các giải pháp khắc phục ô nhiễm mùi hôi tại một số khu vực ở phía Nam TP; làm việc với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) về việc tiếp nhận rác tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.
TP cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua chương trình giảm sử dụng túi ni-lông, hướng dẫn hồ sơ giải thưởng môi trường, tổ chức ngày chủ nhật xanh lần thứ 117…; phối hợp với TP Rotterdam - Hà Lan xây dựng nội dung hợp tác giai đoạn 2016-2018.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, cho biết TP quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác Đa Phước và các vấn đề liên quan đến môi trường. Theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo rất chi tiết về trách nhiệm của các bên trong việc khắc phục ô nhiễm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước. Tất cả cùng gánh vác trách nhiệm chứ không riêng nhà đầu tư hay chính quyền TP. Tuy nhiên, từ khi chỉ đạo đến nay là 20 ngày nên các bên cũng mới khởi động chứ chưa tạo ra kết quả cụ thể.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã mời nhóm chuyên gia độc lập tư vấn cho TP để kiểm soát và khắc phục môi trường cả Đa Phước và Phước Hiệp, cũng như các vấn đề ô nhiễm môi trường khác. Trước mắt, phải tính toán phương án vận chuyển rác vào ban đêm hoặc thời điểm thích hợp để tránh tình trạng xe chở rác thải chạy ngoài đường 24/24 giờ. Đồng thời, bảo đảm vệ sinh trong quá trình vận chuyển, vệ sinh xe khi ra khỏi vị trí khu xử lý rác. Song song đó, bãi rác Đa Phước cũng triển khai thực hiện 3 việc: điều chỉnh quy trình tiếp nhận và chôn lấp rác; phun mùi, khử mùi, phủ bạt thực hiện nghiêm ngặt; mở rộng diện tích xử lý nước rỉ rác để phòng ngừa sự cố xảy ra.
Tăng cường kỷ luật trong cơ quan nhà nước
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu cán bộ, công chức không được uống rượu bia vào giờ nghỉ trưa trong ngày làm việc. Ngay cả khi tiếp khách nước ngoài, ông Phong cũng khuyên nên dời vào buổi chiều, sau giờ làm việc mới dùng rượu bia.
“Nhiều người nói uống rượu bia lúc nghỉ trưa không vi phạm giờ làm việc. Tuy nhiên, uống buổi trưa sẽ ảnh hưởng đến buổi chiều. Rượu bia khiến mình u u, mê mê thì sao làm việc được?” - ông Phong đặt vấn đề.
Trước đó, Sở Nội vụ đã có tờ trình dự thảo chỉ thị về tăng cường kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, nghiêm cấm cán bộ, công chức TP sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Quy định này cũng cấm cán bộ, công chức hút thuốc lá nơi công sở, trong phòng làm việc, phòng họp và hội trường...
Liên quan đến công tác quản lý người cai nghiện trên địa bàn, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết số người nghiện trên toàn TP là khoảng 25.700 (có nơi cư trú ổn định và không có nơi cư trú ổn định). Qua xét nghiệm, 19.000 người dương tính với ma túy. TP đã đưa khoảng 11.000 người vào 9 trung tâm cai nghiện bắt buộc trên địa bàn. Trong đó, khoảng 8.500 người không có nơi cư trú ổn định; số còn lại đang cai nghiện bắt buộc tại gia đình, tự nguyện và bắt buộc tại cộng đồng.
Theo ông Tấn, TP đã làm rất quyết liệt, giảm bớt được tình trạng mất an ninh trật tự. “TP đang kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để kéo dài thời gian cai nghiện. Tuy nhiên, giáo dục, động viên tinh thần họ tại gia đình và cộng đồng là biện pháp tốt nhất, nhân văn nhất. Có thể khẳng định cán bộ, nhân viên làm việc trong những trung tâm luôn coi người nghiện là người bệnh nên thường gần gũi, thuyết phục, động viên họ…” - ông Tấn cho biết.
Xử lý lấn chiếm kênh, rạch
Trong những tháng cuối năm 2016, TP HCM sẽ tập trung cải tạo, xây dựng chung cư mới để thay thế chung cư cũ bị hư hỏng nặng; rà soát pháp lý danh mục xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước theo quy định, báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý, di dời sớm các trường hợp xây dựng lấn chiếm, hoàn trả lại hiện trạng hệ thống kênh, rạch, hầm ga, cửa xả và tuyến cống thoát nước; tổ chức tốt các hoạt động lễ hội tiêu biểu; triển khai và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, tay chân miệng, thủy đậu, cúm A…
Bình luận (0)