Sau khi nhận đơn phản ánh của người dân thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ về việc con mọt (một loại côn trùng có cánh nhỏ) tràn lan các khu dân cư, chúng tôi đến nơi này để tìm hiểu vụ việc. Mới 17 giờ, trời vẫn còn nắng nhưng phần lớn nhà dân ở xóm 5, thôn Thanh Long đã đóng cửa im ỉm.
Chị Phạm Thị Hương, một cư dân nơi đây, vừa đưa con đi học về, kể: "Mọt từ trong khoai mì bay ra từng đàn khắp xóm. Từ 2 tháng qua, cứ chiều đến là mọt mì bay khắp khu dân cư, tràn vào nhà, bám vào người, đồ ăn, thức uống, bu vào người ngứa ngáy không thể nào chịu nổi. Mỗi chiều, muốn nuốt được chén cơm, chúng tôi phải đóng cửa kín mít".
Người dân thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ rất khổ sở với nạn mọt mì tràn vào nhà
Cạnh đó, hàng xóm của chị Hương là bà Lâm Thị Bình cũng than thở về nạn mọt mì. "Mỗi khi thấy doanh nghiệp (DN) trong KCN Long Mỹ nhập mì về chứa trong kho thì chúng tôi lại lo sợ. Người lớn còn biết cách tránh mọt chứ trẻ con làm sao tránh, bị chúng cắn nổi mẩn ngứa khắp người. Nhiều lúc cả nhà đang ăn cơm, mọt mì bay vào chén, chui vào miệng, đành bỏ bữa" - bà Bình bức xúc.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng thôn Thanh Long, xác nhận 2 tháng qua, kể từ khi bước vào mùa thu hoạch mì, hơn 500 hộ dân ở xóm 4 và xóm 5 trong thôn rất khốn khổ vì nạn mọt mì tràn vào nhà. Qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện số mọt mì này đến từ các nhà kho của 4 DN nằm trong KCN Long Mỹ gồm: Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, DNTN Phú Lợi, Công ty TNHH MTV Sáng tạo Á Châu và Công ty CP Xuất khẩu Trung Hưng Kon Tum. Vụ việc đã được người dân địa phương phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.
Ông Ngô Văn Tổng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định, khẳng định KCN Long Mỹ chỉ dành cho các DN đầu tư thiết bị chế biến nông sản công nghệ hiện đại chứ không phải làm kho chứa mì lát. Bởi vậy, sau khi có phản ánh của người dân, ban quản lý đã yêu cầu 4 DN trên khẩn trương dời kho mì lát, đồng thời có trách nhiệm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo ông Tổng, các DN này phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, chậm nhất đến ngày 30-6 phải xong và đưa dự án vào hoạt động. Quá thời hạn trên, nếu DN vẫn không thực hiện thì sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư.
Bình luận (0)