Ngày 2-12, tại tỉnh Bình Định, mưa đã ngớt nhưng nhiều nơi vẫn tiếp tục bị ngập và chia cắt.
Lũ các sông đang lên
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lũ đã làm 4 người chết, 3 người bị thương nặng. Các nạn nhân tử vong gồm Phan Hồng Kiệt (SN 1984; ngụ xã An Hòa, huyện An Lão); Trần Thị Lệ Thủy (SN 2011; học sinh lớp 8; ngụ thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), Võ Văn Sược (SN 1968; ngụ xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) và Nguyễn Thị Hoa (SN 1973; ngụ xã Cát Tài, huyện Phù Cát).
Về tài sản, thiệt hại ban đầu ước tính gần 4.000 ngôi nhà, 1.850 giếng nước, 8.146 ha lúa đông - xuân bị ngập nước… Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết dự báo thời tiết khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ ở hạ lưu các sông đang lên và khả năng đạt báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết toàn tỉnh có gần 750 ha hoa màu bị hư hỏng do ảnh hưởng mưa lũ, thiệt hại kinh tế nặng nề. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Tư Nghĩa. Mưa lũ đã làm anh Nguyễn Đức Trọng (SN 1983, ngụ huyện Sơn Tịnh) bị nước cuốn khi lội qua suối Nước Chạch, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ trưa 30-11, đến nay vẫn mất tích.
Mực nước sông Vệ và sông Trà Câu lên trên báo động 3; sông Trà Bồng và sông Trà Khúc trên báo động 2. Mực nước các sông lên cao đã gây ngập lụt cục bộ ở một số khu dân cư, vùng trũng thuộc huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa. Riêng sông Trà Câu (huyện Đức Phổ) vẫn còn dao động ở mức rất cao (trên mức báo động 3).
Mưa lũ gây chia cắt nhiều tuyến đường ở tỉnh Bình Định Ảnh: ANH TÚ
Thường xuyên thông báo
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đang chủ động theo dõi chặt chẽ việc xả lũ hồ chứa nước Núi Ngang (huyện Ba Tơ) có khả năng gây ảnh hưởng đến các khu vực dân cư vùng hạ du; thông báo thường xuyên đến các khu vực dân cư vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng để người dân biết, chủ động phòng chống.
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn cộng với các thủy điện và hồ thủy lợi xả lũ đã khiến nhiều nơi ở hạ du của TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành bị ngập nặng. Theo ông Nguyễn Văn Mau, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, sáng cùng ngày, bà Phan Thị Hoa (SN 1957; ngụ thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đi vớt rong mơ thì bị trượt chân rơi xuống biển, vẫn chưa tìm được.
Liên quan đến việc nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ bức xúc vì bị thiệt hại do không nhận được thông báo xả lũ từ hồ Phú Ninh, ngày 2-12, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam (gọi tắt là Công ty Thủy lợi Quảng Nam) - đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa nước Phú Ninh, đã có văn bản báo cáo cấp trên.
Trong đó, ông Hải cho biết quy trình xả lũ hồ chứa nước Phú Ninh vừa qua thực hiện theo lưu lượng tăng dần, bắt đầu từ 7 giờ ngày 20-11 là 62 m3/giây và đến 13 giờ ngày 2-12 là 500 m3/giây. Từ ngày 19-11 đến 19 giờ ngày 30-11, công ty cũng đã ra 4 thông báo xả lũ với thời gian, lưu lượng cụ thể.
Ngày 31-8 và 28-9, Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh (đơn vị trực tiếp quản lý hồ Phú Ninh) đã có thông báo cho người dân các xã, phường của TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành sống ven sông Tam Kỳ, Bàn Thạch về việc sẽ xả lũ từ ngày 1-9 đến 31-12 và đề nghị người dân thu dọn các ghe thuyền, lồng cá… trên sông. Vì vậy, ông Hải cho rằng một số hộ dân do chủ quan, không thực hiện các biện pháp chuẩn bị đối phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra và không thu dọn ghe thuyền, lồng cá nằm trong phạm vi hành lang thoát lũ như đã cảnh báo, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn dòng chảy lũ trên sông Tam Kỳ.
Dù ông Hải nói vậy nhưng trước đó, ngày 1-12, ông Đỗ Văn Minh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Tam Kỳ, lại cho biết Công ty Thủy lợi Quảng Nam có thông báo xả lũ từ tối 30-11 nhưng 9 giờ ngày 1-12, sau 2 giờ xả lũ thì TP Tam Kỳ mới biết.
Cứu sống 18 ngư dân
Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (tỉnh Nghệ An) cho biết vừa cứu được 18 ngư dân gặp nạn trên biển. Trước đó, ngày 1-12, tàu cá NA 90489 TS do ông Bùi Chí Dũng (ngụ thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) làm chủ cùng với 17 ngư dân ra khơi khai thác thủy hải sản. Do sương mù che khuất tầm nhìn, tàu của ông Dũng đã đâm vào bãi đá ngầm thuộc vùng biển xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, cách đất liền khoảng 1 km. Cú va chạm khiến tàu vỡ, chìm dần xuống biển.
H.Vũ
Bình luận (0)