Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió nên khu vực Bắc Bộ đã có mưa rất to. Lũ quét cũng đã xuất hiện ở Thái Nguyên và Quảng Ninh.
Quảng Ninh ngập nặng
Gần một tuần qua, mưa lớn ồ ạt trút xuống tỉnh Quảng Ninh. Nhiều tuyến đường, khu dân cư ở Hạ Long, Cẩm Phả, Hải Hà, Móng Cái bị ngập lụt nặng nề.
Tại huyện Hải Hà, nước dâng cao trên các sông Hà Cối, Tài Chi, chia cắt một số thôn, bản ở các xã Quảng Đức, Quảng Sơn... Mưa lớn cũng gây ngập lụt, vỡ một số ao, đầm nuôi trồng thủy sản tại các xã Quảng Chính, Quảng Điền, Quảng Minh; ngập úng cục bộ hàng chục hecta lúa cuối vụ, nhiều diện tích ao đầm và các tuyến đường ở các xã Quảng Chính, Quảng Điền, Quảng Phong, Quảng Minh.
TP Móng Cái cũng bị ngập nhiều nơi. Nghiêm trọng nhất là khu vực khách sạn Biển Bắc (phường Trần Phú), chợ ASEAN (phường Hải Hòa), Bến xe khách Móng Cái (phường Ka Long) và Quốc lộ 18C.
Mưa lớn gây ngập lụt tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh Ảnh: HÀ TRANG
Mưa lũ đã làm chết 5 người tại tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, chiều 2-7, 3 nữ sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Ngoại thương khi lội qua suối Pác Hoóc, huyện Bình Liêu đã bị lũ cuốn trôi. Tiếp đó, ngày 5-7, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, đất sạt lở vùi chết 2 người.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra công điện khẩn cấp yêu cầu các sở ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh. Quảng Ninh cũng sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở các bãi thải than...
Tại tỉnh Thái Nguyên, tối 1-7, trên địa bàn huyện Định Hóa đã xảy ra lũ quét cuốn trôi làm chết 2 người. Tại tỉnh Hà Giang, 2 người cũng thiệt mạng ở huyện Xín Mần do bị nước cuốn trôi.
Siêu bão xuất hiện
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trên vùng biển ngoài khơi Đông Bắc đảo Luzon - Philippines, một siêu bão có tên Nepartak đang hoạt động.
Lúc 14 giờ ngày 6-7, vị trí tâm bão Nepartak ở vào khoảng 19,6 độ vĩ Bắc, 128,2 độ kinh Đông, cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 930 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (khoảng 200-220 km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30 km. Đến 13 giờ ngày 7-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,8 độ vĩ Bắc, 123,4 độ kinh Đông, cách đảo Đài Loan khoảng 280 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17. Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông từ đêm 7-7 có gió mạnh dần lên cấp 6-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về khả năng ảnh hưởng của siêu bão đến Việt Nam, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết cơn bão này rất ít khả năng ảnh hưởng đến nước ta bởi nó có xu hướng đi lên phía Đài Loan và Nhật Bản. Tuy vậy, siêu bão này có thể làm cho đợt mưa lớn đang diễn ra trên diện rộng ở miền Bắc kết thúc nhanh hơn.
Sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công điện yêu cầu các tỉnh phía Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các địa phương phải chủ động kiểm soát những khu vực ngầm, tràn nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân.
Bình luận (0)