xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mưa lũ miền Trung: 7 người chết, 6 mất tích

B.Thùy -H.Dũng-P.Trịnh-X.Long

(NLĐO) - Theo tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão Khu vực miền Trung-Tây nguyên, tính đến ngày 8-9, các tỉnh miền Trung- Tây nguyên đã có 7 người chết (Thừa Thiên- Huế 2, Đà Nẵng 2, Quảng nam 1 và Đắk Lắk 2), 6 người mất tích (Quãng Ngãi 2, Quảng Nam 3 và Gia Lai 1), 9 người bị thương (Quảng Ngãi: 5 và Gia Lai 4).

Ngoài ra, còn có 88 ngôi nhà bị sập, trôi, xiêu vẹo; 5.695 m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở, bồi đắp; 18.300m3 đê kè thủy lợi sạt lở; 13.970 ha lúa ngập nước, 975 ha ngô gãy đổ, 8.990 ha hoa màu các loại hư hại nặng và có nguy cơ mất trắng; 61 tấn tôm cá bị trôi... thiệt hại trên hàng chục tỉ đồng.

Quảng Nam: Lũ chồng lũ, hàng ngàn ha lúa lại ngập


Từ chiều ngày 7 đến sáng nay, 8-9, nhiều địa phương ở Quảng Nam liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài. Nước lũ trên các sông lên nhanh. Theo thống kê sơ bộ, đã có trên 3.000 hécta lúa hè thu đang chín bị ngập sâu trong nước, hàng trăm hécta hoa màu và nhiều diện tích ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng.

Các tuyến đường Hùng Vương, Huỳnh Thúc Kháng và một số khu dân cư tại TP Tam Kỳ lại ngập trong nước 0,4 m- 0,6 m. Đợt mưa lũ mới đã làm 2 người bị lũ cuốn trôi: anh Đinh Văn Thông (SN 1982, dân tộc Cơ tu, ở thôn 4, xã Tư, huyện Đông Giang, và  anh Nguyễn Thanh Tịnh (SN 1991, quê ở thôn 5, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh).

8 giờ hôm nay, tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú - TP Tam Kỳ, em Trần Quang Huy, học lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân bị chết đuối. Em Huy theo mẹ và bà con ra đồng cứu lúa ngập, không may sảy chân xuống hố sâu. Khi mọi người phát hiện, em đã chết.

Cũng torng sáng nay, hàng trăm mét khối đất đá sạt lở, chôn vùi ngôi nhà gia đình anh Phan Ngọc Nhung, thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - tỉnh Quảng Nam. Liên tục từ chiều đến đêm mùng 7-9, xã Tiên Cảnh xảy ra mưa lớn. Thấy khu vực này có nguy cơ bị sạt lở, anh Nhung đã đưa vợ con đến nơi an toàn. Sau khi nhà bị chôn vùi, gia đình anh chuyển về nhà bên ngoại ở tạm. 

img
Đường về xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Phước Trịnh

Đợt mưa kéo dài đã gây sạt lở nặng tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Ngày 8-9, trên tuyến đuờng Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam xuất hiện hàng chục điểm sạt lở mới. Tại Km426T - Km510T, mưa lũ đã làm xói lở ta-luy âm, gây sạt lở nền đường. Đoạn Thạnh Mỹ - Đắc Zơn từ Km243 đến Km334 xuất hiện vết nứt cắt ngang mặt đường. Đoạn từ Quảng Nam đi Kon Tum có 16 vị trí bị sạt lở.

Mưa lớn làm cho tuyến đường ĐT 604 nối 2 huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang với TP Đà Nẵng bị chia cắt do sạt lở núi 700 mét đoạn Dốc Kiền (thuộc địa phận thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng) khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng.

Tuyến đường từ trung tâm huyện đi 5 xã vùng cao Phước Chánh - Phước Công - Phước Kim - Phước Thành và Phước Lộc (Phước Sơn) bị chia cắt nhiều đoạn. Ngầm nước Chè và ngầm nước Mỹ bị ngập, ô tô không thể lưu thông được trong 5 ngày qua. Suối Nước Kiết tại xã Phước Kim, nước lũ đổ về dâng cao, mọi phương tiện đều không lưu thông được. Các tuyến đường liên thôn của xã Phước Lộc, Phước Kim bị sạt lở nhiều đoạn.

Để đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, các ngành chức năng cũng đã triển khai các biện pháp cần thiết như: kêu gọi  tàu thuyền vào nới trú ẩn an toàn, chuẩn bị các phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng cứu. Đến chiều 8-9, hơn 1.000 tấn gạo và nhu yếu phẩm cần thiết đã được đưa về đến các trung tâm cụm xã ở miền núi để phòng chống thiên tai.

Quãng Ngãi: 4.500 ha lúa, cây trồng ngã đổ

Các trận mưa lớn liên tiếp làm cho nước các sông dâng cao lên mức báo động II, gây khó khăn cho việc tiêu úng thoát lũ ở các cánh đồng lúa. Gần 10.000 ha cây trồng bị ngập úng, trong đó có 4.500 ha lúa ở các huyện đồng bằng bị ngã đổ hư hỏng nặng.

Chiều 8-9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi họp khẩn cấp với các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai và đối phó với cơn áp thấp mới.

UBND tỉnh huy động 220 cán bộ, chiến sĩ của 4 đơn vị là Công an, Tỉnh đội, Bộ đội biên phòng và Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi giúp người dân huyện Mộ Đức thu hoạch lúa. Ngay trong chiều 8-9, Tỉnh đội điều động 60 cán bộ, chiến sĩ về giúp nhân dân xã Đức Chánh. Các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh cũng huy động lực lượng xung kích giúp nhân dân thu hoạch lúa, hạn chế thiệt hại. 
 
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến chiều ngày 8-9, Quảng Ngãi đã có 2 ngư dân mất tích, 5 người bị thương do sét đánh; 7 tàu thuyền đánh cá bị chìm và mất tích, 2 sà lan hút cát bị chìm và trôi; hệ thống giao thông, thủy lợi bị sạt lở hàng nghìn m3 đất. Tổng thiệt hại trên 31 tỉ đồng.

Ông Phạm Ngọc Hiển, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng đây là trận mưa lũ lịch sử nhất trong vòng 30 năm qua với thời điểm mưa đến sớm, kéo dài trong nhiều ngày và với một lượng mưa rất to, có nơi trong tỉnh lượng mưa lên đến 450 mm. Trong những ngày tới trời vẫn còn tiếp tục mưa với một lượng lớn, mực nước các sông lên nhanh, có khả năng gây lũ quét sạt lở đất ở vùng núi, vùng ven sông, ven biển.



Đà Nẵng: 1.500 nhà dân ngập nặng

Chiều 8-9, cơn mưa lớn lại bất ngờ đổ xuống, khiến gần 1.500 ngôi nhà bị ngập nặng, nhất là các khu vực quanh hồ Đầm Sen, Khu dân cư Hòa Cường. Ngay cả các tuyến đường trong nội thị Đà Nẵng như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Quang Trung... cũng ngập trở lại.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức nạo vét các cửa cống xả để nước nhanh chóng thoát ra biển; Huy động lực lượng tại chỗ, kể cả lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, sẵn sàng gặt lúa khi ngớt mưa và đồng bớt ngập úng. Các địa phưong nắm chắc tình hình thiệt hại của người dân và lập phương án đề xuất thành phố có quyết định hỗ trợ bà con.

Thừa Thiên- Huế: Thiệt hại hơn 2.700 ha lúa và diện tích nuôi thủy sản

Ngày 8-9, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết tổng thiệt hại trên địa bàn trong đợt lũ vừa qua là 31,913 tỉ đồng, đã đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ 27 tỉ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp, một số công trình giao thông, thuỷ lợi...hư hỏng do mưa lũ gây ra, và đầu tư quy hoạch chỉnh trị sông Ôlâu, hỗ trợ quy trình vận hành liên hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền và đập Thảo Long…để phòng chống lũ.

Ngoài những thiệt hại hơn 2.000ha lúa hè thu và rau màu, đợt lũ này còn gây ngập lụt  731,72 ha (gồm 708 ha diện tích nuôi nước lợ và 23,72ha diện tích nuôi nước ngọt) tập trung ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo