Tại buổi nói chuyện với chủ đề “Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á” diễn ra ngày 23-2 tại Hà Nội, giáo sư người Mỹ David Shambaugh (công tác tại ĐH George Washington, chuyên gia về Trung Quốc) nhấn mạnh biển Đông là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm trên thế giới, làm thế nào giải quyết tranh chấp ở đây là vấn đề gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo.
Phân tích sự cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á giữa hai “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc, GS David Shambaugh cho rằng đây không phải lần đầu cạnh tranh về quyền lực trong khu vực này, song cạnh tranh quyền lực đang tạo ra sự đe dọa lớn.
Đánh giá mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh mềm, GS David Shambaugh cho rằng quan hệ thể hiện sự cạnh tranh lớn, ngày vàng tăng lên, có thể dùng từ “chiến tranh lạnh” để mô tả quan hệ hai nước này. Sự cạnh tranh ngày càng tăng sẽ thể hiện điểm yếu của mỗi bên trong quan hệ song phương. Hai bên cũng đang cố gắng thể hiện là đang loại bỏ sự cạnh tranh trong khu vực, để ý hoạt động, động thái của nhau; trong khi các nước ASEAN giữ quan điểm trung lập.
Phân tích những điểm mạnh, yếu của “hai ông lớn” tại khu vực này, GS Shambaugh Mỹ nhấn mạnh rằng sức mạnh mềm của Mỹ ở Đông Nam Á lớn hơn: số lượng du học sinh sang Mỹ học, ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, tỉ lệ người dân một số nước Đông Nam Á có cái nhìn tích cực với Mỹ…
Bên cạnh đó là vai trò của Washington trong đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Quyền lực cứng của Mỹ ở khu vực cũng rất đáng kể. Nhóm tàu sân bay tấn công Vincen của Hải quân Mỹ vừa thực hiện đợt tuần tra lớn trên biển Đông trong tuần trước. Đó là một ví dụ của năng lực răn đe. Mỹ không làm điều đó một cách tình cờ và sẽ tiếp tục làm như vậy. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tự do hàng hải ở biển Đông mãi mãi.
Về chính sách của chính quyền Trump đối với vấn đề biển Đông, GS Shambaugh cho rằng, vẫn còn mới nên khó để dự đoán họ sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào, nhưng Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm biển Đông là một vùng biển mở, tự do hàng hải, tự do bay, và tranh chấp được giải quyết hòa bình. Mỹ không đứng về bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Ông cho rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đó.
GS David Shambaugh nhấn mạnh lợi thế của Trung Quốc là gần Đông Nam Á và dùng tiền để thao túng quyền lực mềm
Tuy nhiên, GS Shambaugh cũng cho rằng lợi thế của Trung Quốc là gần Đông Nam Á và dùng tiền để thao túng quyền lực mềm. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu vực với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, trong khi Mỹ không có nhiều tiền để làm điều đó.
Theo GS Shambaugh, một điểm yếu của Trung Quốc là đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông một cách phi lý. Sự bành trướng, xây dựng đảo nhân tạo, cố gắng thao túng lợi ích trên biển Đông về nước mình gây làn sóng bất lợi cho Trung Quốc, gây tranh chấp với quốc gia trong khu vực và cả quốc gia khác trên thế giới. Rõ ràng Trung Quốc muốn thắng các nước khu vực nhưng họ không thể làm được như vậy. Trung Quốc đang hành động theo cách rất phản tác dụng đối với chính lợi ích của họ. Trung Quốc cũng thực hiện chiến lược gây chia rẽ ASEAN, khiến nhiều nước mất lòng tin và thêm nghi ngờ Bắc Kinh.
“Mỗi quốc gia có điểm mạnh, yếu song đều cố gắng đẩy mạnh sự bao phủ của mình không chỉ khu vực mà trên toàn cầu. Hiện tại, cạnh tranh giữa hai nước vẫn là cạnh tranh mềm, dù trong tương lai có thể xảy ra cạnh tranh cứng”- GS Shambaugh nói.
COC phải nêu cụ thể vấn đề triển khai quân sự trên các đảo ở biển Đông
Trước tình trạng quân sự hóa hiện nay trên biển Đông, GS Shambaugh cho rằng, tốt nhất là phải có Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Theo ông, điều đầu tiên là tất cả các nước ASEAN cần đồng lòng trong việc xác định quân sự hóa thực sự là gì, giới hạn cho phép đối với việc triển khai vũ khí, trang thiết bị quân sự ra sao. Nếu ASEAN từ nay đến tháng 6 tới có thể nhất trí với nhau về giới hạn này, họ sẽ đưa ra được quan điểm rõ ràng của mình và hỏi Trung Quốc xem có chấp nhận giới hạn đó hay không.
“Tôi nghi ngờ khả năng Trung Quốc chấp nhận một giới hạn nào đó cho việc triển khai quân sự. Nhưng ASEAN cũng vẫn cần làm điều này, nếu Trung Quốc không chấp nhận quan điểm của ASEAN, họ sẽ phải trả giá bằng tổn thất hình ảnh, danh tiếng. Nếu ASEAN thực sự quan tâm đến ổn định, an ninh ở biển Đông và khu vực, ASEAN cần đi bước đầu tiên”- GS Shambaugh nói.
ASEAN đặt thời hạn cho việc hoàn thành khuôn khổ cho COC vào mùa hè năm nay song GS Shambaugh cho rằng phải chờ xem khuôn khổ đó thực sự mới hay chỉ là kiểu trang trí cho Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC). Một một bộ quy tắc ứng xử mới phải nêu cụ thể vấn đề triển khai quân sự trên các đảo ở biển Đông. Thời gian qua, Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về việc lắp đặt hệ thống vũ khí, khí tài trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên biển Đông.
Bình luận (0)