Các bến bãi gần sân bay hay nhà ga chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ chỗ đậu cho taxi. Thậm chí, những bãi tập kết này gây kẹt xe thêm. Vì thế, taxi đậu dọc đường, trên vỉa hè, “sang” một chút là tại các trạm xăng.
Chỉ nhìn vào bấy nhiêu đó thôi đã thấy tư duy về quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) rất bất cập. Và hãy đọc các con số sau đây sẽ thấy sự bất cập ấy tệ hại đến mức nào:
Theo quy hoạch phát triển GTVT tại TP HCM đến năm 2020, số lượng taxi không vượt quá 12.700 xe. Thế nhưng, đến cuối năm 2016, lượng taxi hoạt động trên địa bàn đã vượt gấp đôi quy hoạch với hơn 26.000 xe, gồm 11.060 taxi truyền thống và khoảng 15.300 xe Uber, Grab (Báo Người Lao Động ngày 14-1). Đó là chưa kể hàng ngàn chiếc taxi “dù” và taxi chính hãng từ các tỉnh cũng đang lăn bánh ở TP HCM.
Nhà chức trách cứ đổ cho hạ tầng giao thông yếu, ý thức giao thông của người điều khiển phương tiện kém trong khi quy hoạch về lượng xe bị “vỡ nát” như thế thì chẳng ai chịu trách nhiệm? Gần 30 hãng xe đang hoạt động, khoảng 30.000 chiếc đang tràn ra đường từng giờ, từng phút cùng hòa nhịp với xe buýt, container, xe tải, xe hơi các loại và hàng triệu xe máy nên “điệp khúc kẹt xe” cứ thế ngân dài. Khổ một nỗi, số lượng phương tiện nào cũng tăng từng ngày, dân số cũng tăng từng ngày mà đường sá thì chỉ có bấy nhiêu nên mọi giải pháp “chống, giảm” trở nên bế tắc.
Hà Nội cũng kẹt xe, cũng ùn tắc nghiêm trọng như TP HCM và ngành GTVT TP này vừa loan báo sẽ thưởng tổng cộng 6 tỉ đồng cho bất cứ cá nhân nào đưa ra giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông hiệu quả. Vẻ như ngành GTVT đang đánh đố người dân chứ chẳng phải huy động ý tưởng. Bởi là cơ quan chuyên trách, có nghiên cứu thực tiễn lẫn lý luận, có nhiều tiền và có thẩm quyền mà bế tắc giải pháp thì người dân nào đủ điều kiện làm được hơn thế? Và từ câu chuyện treo thưởng tiền tỉ này, người ta có quyền đặt vấn đề: Cơ quan quản lý nhà nước về GTVT, được cấp ngân sách để hoạt động, vậy mà lấy tiền ngân sách để đi mua ý tưởng nhằm giải quyết bài toán khó của ngành mình thì “sắm” các anh để làm gì?
Những ngày cận Tết, giao thông ở TP HCM, Hà Nội càng ùn tắc dữ dội. Ai cũng thấy tình trạng này sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội nhưng các ngành chức năng liên quan chỉ tập trung vào giải pháp tháo gỡ ngắn hạn là chủ yếu. Trong khi đó, với giao thông của hai đô thị lớn nhất nước, cần là giải pháp tổng thể, đồng bộ, lâu dài.
Quan sát những giải pháp chống ùn tắc giao thông đã và đang thực hiện, có thể dự đoán tình hình trong thời gian tới sẽ còn nan giải!
Bình luận (0)