Ngày 2-5, có mặt tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, tuy mới 8 giờ sáng nhưng hành lang bệnh viện đã không còn chỗ ngồi, hai bên chật kín bệnh nhi. Phía ngoài, những hàng cây phượng trước bệnh viện đã được người dân giăng kín võng để nằm chở khám cho con.
Trong khi đó, trên cánh đồng Tam Kỳ, nhiều chòi che nắng mọc lên. Nông dân Nguyễn Cường (58 tuổi, trú phường Hòa Hương, Tam Kỳ) nói: Mới sáng sớm mà nắng quá chú ơi, nhưng lúa chín mà không gặt thì nó rụng hết. Hai vợ chồng tranh thủ ra đồng lúc 5 giờ sáng nhưng được một lát là nắng chói chang rồi. Chịu không nổi nên hai vợ chồng quay về lấy dù ra che cho mát mới tuốt lúa được.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, 3 ngày qua, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), mới hơn 8 giờ, nhiệt độ đo trong bóng râm dưới mái hiên đã xấp xỉ 36 độ C. Đến giữa trưa, ngoài trời, nhiệt kế chỉ hơn 38 độ C. Trời im phăng phắc, không một gợn gió, nóng đến gai người. Tại nhiều xã vùng xa của các huyện miền núi Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn, nhiệt độ lên đến gần 39 độ C.
Những ngày này, các tuyến phố chính ở Phan Rang vắng lặng hơn bình thường. Người người trốn biệt trong nhà để tránh nóng.
Anh Cao Minh Hiến, du khách đến từ Bình Dương, phải bỏ dở chuyến dã ngoại về làng gốm Chăm Bàu Trúc, vội vã đưa vợ con về Khu du lịch Bình Sơn – Ninh Chữ để trốn nóng.
“Nghe nói Ninh Thuận gió như phang, nắng như rang, bây giờ mới thấy. Ghê quá…” anh Dũng nói.
Chị Xuân ở phường Phủ Hà cho biết 4 ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, vợ chồng chị phải đưa 2 con sang nhà ba mẹ có vườn cây ăn quả ở khu vực sông Dinh (Thuận Hòa – Ninh Phước) để nghỉ ngơi vì quá nóng.
Những nhà trong khu dân cư đông đúc phải sử dụng vòi nước, vài giờ một lần, tưới đẫm sân, vách nhà, mái hiên… để giải nhiệt chút ít. Nhiều gia đình không có máy điều hòa phải mua nước đá về hòa tan trong xô, thau rồi dùng quạt điện thổi hết công suất cho giảm nóng.
Anh Thu, một chủ thầu xây dựng ở huyện Ninh Phước, cho biết do quá nắng rát nên mới khỏang 10 giờ, công nhân đã phải… “rút quân” và đề nghị giờ làm việc buổi chiều từ 15 giờ đến 18 giờ 30.
Nhiều đơn vị thi công công trình xây dựng cũng chủ động thay đổi thời gian làm việc theo hướng “làm sớm nghỉ sớm” để đảm bảo sức khỏe cho công nhân.
Ban ngày nắng, từ cuối chiều đến tận khuya cũng chẳng mát mẻ hơn. Cứ chiều xuống, hàng ngàn người nườm nượp đổ ra đường, đi hóng mát Quảng trường 16-4 và bãi biển Ninh Chữ, Bình Sơn. Một số quán cà phê sân vườn cũng đông nghẹt khách đến thư giãn.
“Trước 10 giờ đêm ở nhà vẫn chịu không nổi, tụi tui cứ lòng vòng ở bãi biển, chờ khi nào trời dịu thì về.” Nhiều người cho biết.
Tại bệnh viện Đà Nẵng, người nhà bệnh nhân trải chiếu ra ngoài hành lang và dùng quạt tay tạo gió, xua bớt oi bức.
Trước đó, chiều 1-5, hàng chục vạn người dân Đà Nẵng cùng du khách ào ạt kéo xuống biển để “giải nhiệt”, khiến các bãi tắm quá tải. Hàng trăm người dân không tìm được chỗ gửi xe đành ra về trong nóng bức.
Trong khi đó, nắng nóng đã khiến nước mặn xâm nhập lên sông cầu Đỏ, cùng với việc các thủy điện ở đầu nguồn sông Vu Gia bị chặn dòng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng.
Tại Thừa Thiên – Huế, nắng nóng cũng đang hoành hành. Ngay từ 9 giờ ngày 2-5, nhiệt độ đã trên 27 độ C và càng về trưa càng tăng cao. Để tránh nắng nóng, người dân Thừa Thiên – Huế đã đổ xô về các công viên hai bờ sông Hương và xuống bãi biển.
Tại các công viên như Tứ Tượng, Lê Lợi, ĐH Sư phạm… người dân đua nhau ra mắc võng, dùng bạt, chiếu trải dưới tán cây ngay sát sông Hương để hóng mát. Nhiều người gói theo cơm, nước giải khát để ăn trưa ngay tại công viên.
Nắng nóng cũng khiến những người chạy xích lô, xe ôm, lượm ve chai… bắt đầu công việc sớm hơn và khoảng 10 giờ là tìm đến công viên nghỉ ngơi. Chưa tới 10 giờ, chị Nguyễn Thị Thùy An, hành nghề lượm ve chai, đã ghé công viên Thương Bạc và chọn cho mình một chiếc ghế đá dưới gốc cây mát mẻ để tránh nóng.
Cũng chưa đầy 11 giờ, trên các tuyến phố ở TP Huế, xe cộ, dòng người đi lại thưa thớt hơn. Cánh xe ôm, xích lô đều tìm bóng mát tránh nóng.
Anh Hoàng Văn Tỵ - một người hành nghề xích lô trước khách sạn Sài Gòn Morin dù ngồi dưới gốc cây nhưng mồ hôi ướt đẫm. “Nắng nóng quá oi bức. Trời này ai dại gì mà đi ra đường, mấy hôm nay chúng tôi chỉ biết tìm gốc cây trốn nóng chứ chẳng có khách mà chạy”.
Xuất hiện bệnh mùa hè
Bác sĩ Thái Phương Phiên – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, cho biết do nắng nóng nên bệnh mùa hè có dấu hiệu tăng. Trong khỏang 1 tuần lễ qua, gần 100 bệnh nhân cảm cúm, tiêu chảy, sốt siêu vi nhập viện điều trị; đáng lưu ý đã có đến 19 vụ ngộ độc thực phẩm trong 2 ngày 1 và 2-5.
Tiên liệu của ngành Y tế Ninh Thuận, khả năng số người mắc bệnh mùa hè tiếp tục tăng cao trong những ngày tới. L. Trường |
Bình luận (0)