Sáng 11-1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp xem xét, thông qua Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, Đoàn đại biểu QH.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thẳng thắn: Thực chất nhiều địa phương chưa nghiêm túc, thậm chí có cả địa phương lớn coi thường hoạt động giám sát của QH, kể cả hoạt động giám sát tối cao.
Ông Hiển cho biết có đoàn do Phó Chủ tịch QH làm trưởng đoàn xuống giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng địa phương đó chỉ có 1 ông Phó Chủ tịch ra làm việc, thêm vài ông cũng toàn cấp phó. Điều đó thể hiện không nghiêm túc. “Tôi định họp tuyên bố phê bình tại chỗ, nhắc nhở ghi vào văn bản luôn, nhưng nghĩ nên giữ thái độ mềm mại, nhẹ nhàng. Nhưng 10 năm công tác ở QH, thấy tình trạng này là có, nhất là các địa phương lớn, đó là các địa phương kiểm tra là có chuyện. Rõ ràng có câu chuyện không nghiêm túc”- ông Hiển bày tỏ.
“Cần thiết thì nêu một vài ông trước QH cho công khai, minh bạch, rõ ràng, các ông phải tôn trọng giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất. Đó cũng là đại diện cho dân đi giám sát cơ mà. Phải làm cho nghiêm”- ông Hiển nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần thiết ban hành quy chế đảm bảo việc thực hiện giám sát của QH, tránh chồng chéo. Tuy nhiên giám sát phải thực sự có chất lượng chứ không phải kéo một đoàn đi rất đông nhưng không mang lại hiệu quả gì. Do đó, đoàn giám sát không nên quá đông, quá nhiều.
Giám sát việc ban hành chính sách pháp luật, rồi khi xem chính sách đi vào cuộc sống thế nào thì đi xuống cơ sở giám sát. Nhưng cũng có cuộc giám sát tất cả địa phương phải báo cáo như giám sát đất đai, hay như giám sát dự án BOT thì địa phương nào có thì báo cáo. Việc mời chuyên gia là cần thiết nhưng mời chuyên gia ngoài cơ quan nhà nước tham gia đoàn giám sát ko nên kéo về địa phương cho đông, vì chúng ta có đoàn Đại biểu QH ở đó. “Mời chuyên gia chỉ nên sau giám sát để nghiên cứu xem nên chỉnh sửa, chấn chỉnh thế nào. Giám sát rồi thì hạn chế trì trệ, khúc mắc được giải quyết mới có hiệu lực chứ giám sát mà để 2-3 năm vẫn thế thì không có hiệu lực”- Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Bàn về số lượng đoàn giám sát, Chủ tịch QH cho rằng ở địa phương cũng rất nhiều việc. Một năm có 4-5 đoàn giám sát đến thì hết thời gian làm việc. Chúng ta phải đặt vị trí mình vào lãnh đạo các địa phương. Tuy nhiên, cũng nghiêm khắc phê phán các địa phương có thái độ không nghiêm túc. “Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch QH cùng 2 Bộ trưởng đến giám sát mà địa phương thiếu sự tôn trọng. Không thể Phó Chủ tịch QH và các lãnh đạo cấp cao ngồi làm việc với 1 Phó Chủ tịch UBND”- Chủ tịch QH nói, đồng thời cho rằng các địa phương phải tôn trọng hoạt động giám sát của QH, phải làm sao để giám sát QH thiêng như giám sát tối cao. Các cuộc giám sát chuyên đề của UBTVQH hay của các Ủy ban của QH phải có hiệu quả như thế.
Qua hoạt động giám sát, điều hành, quản lý của bộ máy nhà nước nâng lên rõ rệt, từng Bộ qua giám sát soi lại mình đang cần gì, thiếu gì, thực hiện đã đúng chưa. Sau đó công khai minh bạch chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa tốt. “Cố gắng đừng để 1 tỉnh có 4-5 đoàn giám sát trong 1 năm. Hay một tháng có đến 2 đoàn giám sát tới, cần điều phối hài hoà, tránh chồng chép, báo cáo giữa các đoàn để sắp xếp cho hợp lý”- Chủ tịch QH nói.
Do vậy, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh kỳ này có Luật rồi, phải điều phối thế nào cho đúng chức năng của các cơ quan giám sát. Giám sát ở đâu thì lấy thành phần đoàn ĐBQH ở đó. “Đừng rồng rắn kéo đoàn về gồm mấy chục người. Đoàn nào đông người sẽ không được phê duyệt danh sách đó”- Chủ tịch QH quả quyết.
Bình luận (0)