Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa vận chuyển khoảng 10.000 lượt khách/ngày, 5-15 phút/chuyến và 45 phút/lượt. Tuy nhiên hiện nay, tuyến xe buýt nhanh này chưa phát huy hiệu quả do thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn, gây cản trở.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết trung tâm vừa đề xuất với Sở GTVT và UBND TP Hà Nội việc thí điểm lắp dải phân cách cứng tại các nhà chờ gần nút giao trên đường tuyến xe buýt nhanh. Việc lắp dải phân cách nhằm mục đích không cho các phương tiện khác lấn làn xe buýt để phương tiện này phục vụ hành khách hiệu quả nhất.
“UBND TP Hà Nội cũng đã đồng ý chủ trương thí điểm làm dải phân cách phục vụ tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa. Chúng tôi đang khảo sát và dự kiến lắp ở 5-6 điểm trước Tết” - ông Hải nói. Theo thiết kế ban đầu, tuyến xe buýt nhanh sẽ có dải phân cách cứng bằng bê tông cao khoảng 25 cm để phân làn với các phương tiện khác. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, có nhiều ý kiến trái chiều nên Hà Nội tạm dừng việc xây dải phân cách cứng. Nay trung tâm lựa chọn giải phân cách cao khoảng 60 cm, là loại hàng rào nhẹ, có thể di động.
Thế nhưng, đề xuất trên khiến nhiều người lo lắng bởi đây là thời điểm cận Tết, giao thông tại Hà Nội rất căng thẳng, nếu thêm dải phân cách ở tuyến đường này thì dễ xảy ra kẹt xe.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng lắp dải phân cách để phục vụ tuyến xe buýt nhanh là việc nên làm nhưng không phải bây giờ. “Hãy làm trong thời gian người dân đã về quê ăn Tết thì giao thông tại tuyến đường này không bị xáo trộn. Nếu không tính toán, làm dải phân cách vào ban ngày ở thời điểm này thì dễ gây thêm ùn tắc” - ông Liên nhận định.
Ông Liên cũng đề xuất việc làm dải phân cách nên thí điểm từng đoạn, qua đó đánh giá tác động của nó đến giao thông cả tuyến đường. Nếu làm cả tuyến nhưng không hiệu quả lại phải gỡ bỏ thì rất lãng phí. Việc này có ảnh hưởng lớn đến giao thông nội đô nên cần tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia giao thông, người dân để có phương án tốt nhất.
Trước ý kiến trên, ông Hải cho rằng khi chưa đưa tuyến xe buýt nhanh vào hoạt động, áp lực giao thông ở tuyến đường Kim Mã - Yên Nghĩa, đặc biệt đường Lê Văn Lương, đã rất lớn. “Trước mắt, chúng tôi sẽ chọn một số ngã tư để thí điểm đặt dải phân cách. Về lâu dài, dải phân cách sẽ giúp giao thông trở nên mạch lạc hơn” - ông Hải nói.
Theo thống kê, sau 10 ngày vận hành, tuyến xe buýt nhanh đã vận chuyển được gần 130.000 hành khách, bình quân 31,2 khách mỗi lượt. Tuy nhiên, tình trạng người dân thường lấn làn, tạt đầu để quay xe vẫn còn diễn ra thường xuyên.
Bình luận (0)