Ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là "tư lệnh" ngành thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH) về các vấn đề: y đức, lạm dụng quỹ BHYT, "đắp chiếu" thiết bị y tế, văn hóa ứng xử của nhân viên y tế, đặc biệt là giá thuốc.
Mua thuốc dễ như mua rau
Chất vấn bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Tuân (Thái Bình), Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu thực trạng người dân rất dễ dàng mua thuốc mà không cần đơn của bác sĩ (BS), người bán tự ý kê thuốc theo triệu chứng người bệnh, dẫn tới nhiều hệ lụy như thuốc bán không đúng đối tượng, lạm dụng kháng sinh, lạm dụng thuốc. Từ đó, ĐB chất vấn: "Bao giờ chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn thay BS, mua thuốc dễ như mua rau?".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời các vấn đề dân sinh được quan tâm
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn nhận trách nhiệm khi người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc mà không cần đơn thuốc của BS; đồng thời khẳng định sắp tới, ngành y tế sẽ đổi mới toàn diện, thanh tra kiểm tra nhiều hơn để khắc phục tình trạng này.
Người đứng đầu ngành y tế cũng bác bỏ các ý kiến về giá thuốc Việt Nam cao hơn thế giới bằng các con số cụ thể. Theo đó, đánh giá gần đây của các tổ chức độc lập quốc tế cho thấy giá các biệt dược, thuốc generic của các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường của Việt Nam so với các nước ASEAN đều thấp hơn 10% trong khi thuốc Thái Lan, Philippines lần lượt cao hơn 37% và 19%. Với các thuốc generic khác, Việt Nam thấp hơn 33% trong khi Philippines và Indonesia lần lượt cao hơn 72% và 20%.
Riêng thuốc trong bệnh viện (BV), sắp tới, ngành y tế sẽ điều chỉnh quy định để áp giá quầy thuốc BV phải bằng giá BV đã mua. Ngoài ra, với gần 700 biệt dược còn bản quyền, giá cao, bộ sẽ áp dụng hình thức đàm phán giá, mua tập trung. Trong khi đó, gần 500 loại thuốc gần hết hạn bảo hộ độc quyền giá cao đang đưa vào đấu thầu rộng rãi để phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc.
Về giải pháp khắc phục việc chênh lệch giá thuốc trúng thầu, Bộ Y tế đang tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động đấu thầu tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia. Dự kiến, trong năm 2017 sẽ có kết quả đàm phán giá và đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia để khắc phục triệt để sự chênh lệch giá trúng thầu của một số mặt hàng thuốc tại cơ sở y tế.
Sẽ thông tuyến kết quả xét nghiệm
ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) đặt vấn đề hiện nay, người bệnh không tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh nhanh chóng, một phần do quá tải, một phần do thái độ phục vụ của cán bộ ngành y. Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Thời gian qua, ngành đã xử lý kỷ luật khoảng 7.000 cán bộ y tế với nhiều hình thức như cảnh cáo, kỷ luật hoặc đuổi khỏi ngành. Ngành cũng nỗ lực đưa ra chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế; hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Về tình trạng lạm dụng xét nghiệm tại các cơ sở y tế, Bộ trưởng Y tế cho biết năm 2018 sẽ thông tuyến các kết quả xét nghiệm để người bệnh không phải mệt mỏi xét nghiệm mỗi lần chuyển tuyến.
Một vấn đề khiến các đại biểu bức xúc đó là tình trạng "đắp chiếu" thiết bị y tế, chênh lệch giá cao; một loại thiết bị, cùng một hãng có thể chênh đến 6-7 lần. Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải trang thiết bị vật tư y tế có thể rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, cách đóng gói, đặc biệt là sử dụng. Ví dụ, kim cánh bướm mà các BV mua sử dụng nếu kim thông thường, BV Việt Đức (Hà Nội) mua giá 6.000-7.000 đồng nhưng BV Chợ Rẫy (TP HCM) mua với giá cao gấp 7 lần. Cùng là kim cánh bướm nhưng loại của Chợ Rẫy có khóa, van, đầu vát hơn, tránh đau cho người ghép tạng.
Quỹ BHYT lo "âm" gần 7.000 tỉ
Vấn đề trục lợi Quỹ BHYT nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB. Trả lời một phần chất vấn, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hiện nay, tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT diễn ra khá nhiều. Một kỹ thuật chỉ cần nằm viện 2 ngày nhưng tại nhiều BV, bệnh nhân nằm 5-7 ngày. Giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết 100% công suất nhưng có tỉnh báo lên đến 200%-300% công suất.
Hiện tổng Quỹ BHYT là hơn 73.000 tỉ đồng nhưng dự toán chi thực tế năm 2017 khoảng 80.000 tỉ đồng. Do đó, nếu không có giải pháp tích cực để siết chặt thì trong thời gian tới, quỹ sẽ "âm" 7.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)