Ngày 1-3, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) bước sang ngày làm việc thứ 3 với phần xét hỏi. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục chất vấn cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm để làm rõ về khoản cho vay 500 tỉ đồng gây thiệt hại cho OceanBank gần 350 tỉ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2012, do muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP về OceanBank nên ông Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn - cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín) - đặt vấn đề chuyển giao Ngân hàng Đại Tín lại cho mình. Bà Phấn đồng ý bán hơn 254 triệu cổ phần, tương đương gần 85% vốn điều lệ, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay hơn 3.500 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi và có nhiều mối quan hệ phức tạp nên ông Thắm muốn chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín.
Ông Thắm tìm đến ông Phạm Công Danh để đặt vấn đề chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín và ông Danh đã đồng ý. Giữa tháng 12-2012, ông Thắm cùng Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank, đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (Công ty Trung Dung) vay 500 tỉ đồng. Công ty này do ông Danh - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh - lập ra. Điều đáng nói, tài sản bảo đảm của công ty này tại thời điểm giải ngân chỉ khoảng gần 70,8 tỉ đồng và đến nay là hơn 156 tỉ đồng. Tuy nhiên, giải thích tại tòa, ông Thắm vẫn cho rằng sở dĩ mình cho vay vì đánh giá trên tiềm lực của Công ty Trung Dung. “Bị cáo biết dù ông Danh không đứng tên nhưng ông Danh là chủ thực sự của Công ty Trung Dung” - bị cáo Thắm khẳng định.
Ông Thắm thừa nhận: “Trong khoản vay này, tài sản bảo đảm chưa được bảo đảm. Do đó, bị cáo và anh Hoàn thống nhất phải phong tỏa tài sản ở Ngân hàng Đại Tín thì mới cho vay”. Liên quan đến khoản vay 500 tỉ đồng, ông Thắm trình bày vào thời điểm đàm phán thỏa thuận, Ngân hàng Đại Tín được đánh giá đã ở vào tình trạng nguy hiểm. Tình trạng này thuộc vào thời gian nhóm của bà Phấn quản lý chứ không phải ông Danh.
Đối chất tại tòa, ông Danh lý giải Ngân hàng Đại Tín đang mất thanh khoản nên mới cần giải cứu. Bản thân ông cũng chưa quản lý ngân hàng này. Ông Danh khai: “Yêu cầu của bà Phấn là sợ trách nhiệm nên giải quyết, 500 tỉ đồng đó phải trả trực tiếp vào tài khoản của bà Phấn. Tôi không được sử dụng”. Bị cáo này dẫn ra tình tiết là 500 tỉ đồng gửi vào tài khoản của bà Phấn và hoàn toàn do bà Phấn và ban điều hành của bà quản lý. “Nhóm bà Phấn đã lừa tôi và có thể lừa cả Hà Văn Thắm nữa” - bị cáo Danh nói.
Hôm nay (2-3), tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Đút túi 69 tỉ đồng “chăm sóc khách hàng”?
Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận trở thành cổ đông và đối tác chiến lược với OceanBank. Tập đoàn này giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC), làm thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc OceanBank.
Đầu năm 2009, khi bàn bạc với Hà Văn Thắm về việc huy động vốn, Nguyễn Xuân Sơn đề nghị ngân hàng chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng và giao cho Sơn toàn quyền quyết định. Để có nguồn tiền “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu của Sơn, Hà Văn Thắm đã sử dụng Công ty Cổ phần BSC Việt Nam (do Thắm thành lập) để “ép” khách hàng vay vốn tại OceanBank ký hợp đồng làm dịch vụ thẩm định giá bất động sản, dịch vụ đấu giá tài sản, đại lý bảo hiểm, mua bán kỳ hạn bất động sản, môi giới, đại diện thương mại, vay vốn ngân hàng… nhằm thu phí ngoài lãi suất hợp đồng tín dụng. Từ ngày 22-5-2009 tới 31-1-2013, Công ty BSC thu phí được tổng cộng gần 69 tỉ đồng và chuyển cho Sơn 69,3 tỉ đồng. Tại tòa, Nguyễn Xuân Sơn phủ nhận hoàn toàn tội danh mà VKS truy tố.
Bình luận (0)