Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà Nha Trang đập bỏ chợ Đầm tròn để xây chợ Đầm mới khiến tiểu thương bất bình. Từ đầu năm 2015 đến nay, họ đã tổ chức 5 lần bãi thị để phản đối, đề nghị giữ lại chợ Đầm tròn vì đó không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán đơn thuần mà còn là biểu tượng của cả thành phố biển, là điểm đến của du lịch địa phương.
Nguyện vọng của tiểu thương nói riêng và người dân nói chung là hết sức chính đáng. Quyết định giữ lại chợ của UBND tỉnh Khánh Hòa không chỉ cứu hàng trăm tiểu thương thoát khỏi nguy cơ mất kế sinh nhai hoặc nợ nần mà còn “làm đẹp” thêm hình ảnh, uy tín của lãnh đạo địa phương này bởi thể hiện khá rõ tinh thần vì dân, nghe dân.
Hồi đầu tháng 7-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng buộc dừng dự án lấn biển Phoenix Beach của Tập đoàn Dewan vì không góp vốn theo quy định, không bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, môi sinh…, khiến cư dân địa phương nức lòng. Không gian công cộng của người dân được thu từ tay chủ đầu tư nước ngoài trả lại cho chính chủ nhân của nó. Đó cũng là một quyết định sáng suốt!
Nhưng cũng phải nói rằng nếu như ngay từ đầu, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa luôn cân nhắc thật kỹ mọi chuyện, luôn đặt quyền lợi của người dân trên hết trước khi ra quyết sách thì đã không làm mất lòng dân, đã không phải ra quyết định trái với trước đó. Dù sao thì điều này cũng đáng quý bởi không phải nơi nào cũng làm được như thế.
Ví như dự án lấp sông Đồng Nai, bất chấp phản đối của cư dân địa phương, phải chờ đến khi báo chí phản ánh liên tục và gay gắt, các bộ - ngành trung ương vào cuộc thì tỉnh Đồng Nai mới buộc tạm dừng. Ví như vụ Hà Nội “chặt cây xanh không cần phải hỏi ý dân”, đến khi lòi ra hàng loạt vấn đề sai phạm và bất hợp lý thì mới thấy ý dân là quan trọng. Ví như việc tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cách đây 5 năm; khi ấy, người dân đã góp ý không nên xây quá nhiều công trình chào mừng, sẽ lãng phí; vậy mà vẫn làm ngược lại, tổng chi phí đến 94.000 tỉ đồng, 1-2 năm sau thì hàng loạt công trình đã phải đập bỏ, rất xót!...
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy tất cả những thành quả mà chúng ta đạt được đều dựa vào dân. Mục tiêu tranh đấu cũng vì lý tưởng, cuộc sống và quyền lợi của người dân. “Quốc dĩ dân vi bản” - dân là gốc rễ của quốc gia, cán bộ chính quyền phải lắng nghe dân, đó là sự hiển nhiên và quan điểm đó luôn đúng ở mọi thời đại.
Biết lắng nghe, đó là một thái độ sống sòng phẳng. Ở nơi nào chính quyền biết nghe dân thì nơi đó có dân chủ, có công khai, minh bạch, có những quyết sách đúng đắn và hiệu quả. Đổi lại, dân thêm tin yêu chính quyền, cùng hợp sức với chính quyền đi đến mọi thắng lợi.
Bình luận (0)