Vì vậy, Bộ GTVT quyết định kiến nghị Chính phủ dừng thu loại phí này.
Thông tin trên khiến đa số người dân và chính quyền địa phương thở phào, trong đó có TP HCM - địa phương chưa thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.
Quả thật, nếu sai mà biết sửa là hành động đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu ai đã từng theo dõi cuộc “đọ sức” giữa người dân, báo chí, doanh nghiệp, các địa phương với Bộ GTVT từ khi Quỹ Bảo trì đường bộ chuẩn bị tiến hành “hút” tiền thu phí sẽ thấy bộ này có phần đáng trách.
Cụ thể, khi mới ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí sử dụng đường bộ, dư luận đã cảnh báo về nhiều bất cập trong việc thu phí này và được Bộ GTVT ghi nhận. Thế nhưng, sau đó, chẳng những không điều chỉnh mà bộ vẫn… làm tới!
Hậu quả, sau 2 năm thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, chưa có tỉnh - thành nào dám báo cáo là địa phương mình đã thu trên 70%, nhiều nơi còn than rằng thu đúng, thu đủ là nhiệm vụ bất khả thi.
Cũng liên quan đến vấn đề giao thông, đến thời điểm này, người dân vẫn còn ớn lạnh trước việc Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT cho phép thí điểm cho mô tô phân khối lớn được lưu thông trên đường cao tốc. Đến nay, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ dù dư luận cho rằng đề xuất này là mạo hiểm vì đem tính mạng con người ra làm… “chuột bạch”.
Lo ngại của người dân hoàn toàn không thừa khi ý thức lái xe của rất nhiều người Việt Nam còn kém, chứ không cao như ở nhiều nước văn minh hoặc như tại 2 quốc gia khá gần Việt nam là Nhật Bản, Hàn Quốc - cho phép mô tô phân khối lớn lưu thông vào đường cao tốc, phân làn riêng. Phải thừa nhận rõ thực tế là phần lớn số vụ tai nạn giao thông ở nước ta đều có liên quan đến xe 2 bánh.
Chẳng lẽ, để xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc rồi mới sửa sai?
Thực tế, nhiều vụ việc khi rối tung lên, gây thiệt hại lớn cho xã hội rồi mới sửa sai không chỉ xảy ra trong ngành GTVT. Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đưa ra quy định bất hợp lý là cấm phát tán chứng cứ vi phạm quy chế thi dưới bất kỳ hình thức nào. Hay Bộ Y tế phải điều chỉnh quy định người thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân - trừ trường hợp thiếu ngón út - không đủ điều kiện thi lấy giấy phép lái xe...
Ở nước ta, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật hay luật khi đưa vào thực tế bị vênh và phải sửa. Nguyên nhân chắc không gì khác ngoài do tầm nhìn của các bộ, ngành không theo kịp thực tiễn, không theo kịp sự phát triển của xã hội, của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Để cho người khác vạch rõ cái sai hoặc hết lý lẽ bào chữa mới chịu nhận và sửa sai là điều đáng trách!
Bình luận (0)