Sáng 16-12, UBND TP HCM đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Việt Nam tổ chức hội thảo “Nghiên cứu tiếp cận và thử nghiệm phương pháp đo lường nghèo đa chiều tại TP HCM”.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá tại TP đã qua 22 năm với 7 lần điều chỉnh chuẩn nghèo và đạt được nhiều kết quả tích cực. TP HCM không còn hộ nghèo so với chuẩn nghèo quốc gia nhưng kết quả này chỉ là bước đầu và chưa thật bền vững do tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao.
“Thực tiễn cho thấy cách xác định hộ nghèo theo chuẩn thu nhập không đo lường được thiếu hụt về nhiều khía cạnh quan trọng trong đời sống con người như nhà ở, phương tiện đi lại, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh… Nhiều người nghèo, hộ nghèo có thể thoát khỏi chuẩn nghèo thu nhập ở từng giai đoạn nhưng sẽ còn khó khăn ở các chiều nghèo khác. Tuy nhiên, do đã vượt khỏi chuẩn nghèo và cận nghèo của TP nên họ không còn nằm trong diện được hỗ trợ. Vì thế, có nguy cơ tái nghèo cao, làm cho giảm nghèo chưa thật sự bền vững” - ông Thuận nhìn nhận.
Ông Thuận cho biết trong thời gian qua, TP HCM đã cùng UNDP tổ chức thí điểm xây dựng công cụ đo lường, rà soát hộ nghèo, lập chính sách theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều là giáo dục và đào tạo, y tế, điều kiện sống bao gồm nhà ở và nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội tại 4 quận, huyện là 6, 11, Tân Phú và Bình Chánh trong 2 năm 2014 và 2015 để rút kinh nghiệm, đề xuất lộ trình nhân rộng ra toàn TP giai đoạn 2016-2020.
“Theo cách đo lường mới, nghèo không nhất thiết là thu nhập dưới chuẩn mà còn là sự thiếu hụt về y tế, bảo hiểm, phương tiện đi lại” - ông Thuận nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Bùi Linh, cán bộ UNDP, cũng đánh giá nếu chỉ tập trung vào danh sách hộ nghèo thu nhập thì vô hình trung một bộ phận lớn người dân hiện đang sống trong tình trạng thiếu hụt rất nhiều điều kiện sống cơ bản lại không được xét đến trong thực hiện chính sách. “Do vậy, xét một người hoặc hộ gia đình nghèo trên nhiều tiêu chí chứ không chỉ căn cứ vào thu nhập” - bà Linh nói.
Theo bà Linh, kết quả điều tra của UNDP tại 4 quận, huyện ở TP cho thấy các hộ vừa nghèo đa chiều vừa nghèo thu nhập chiếm tỉ trọng rất nhỏ (0,56%), trong khi có đến 10,79% hộ nghèo đa chiều nhưng không nghèo thu nhập. “Điều này cho thấy nếu chỉ tập trung vào danh sách hộ nghèo thu nhập sẽ bỏ sót đối tượng đang thiếu hụt các điều kiện sống cơ bản” - bà Linh thông tin.
Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB-XH), ông Ngô Trường Thi, khẳng định việc sử dụng chuẩn nghèo dựa vào thu nhập kéo dài trong một thời gian dài (từ năm 1993 đến nay) đã không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế như bỏ sót đối tượng, độ bao phủ chưa cao, thiếu công bằng, chưa đánh giá và đo lường mức độ chuyển biến về tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân.
“Việc tiếp cận đo lường nghèo đa chiều nhằm mục đích đánh giá một cách toàn diện hơn kết quả giảm nghèo của cả nước cũng như từng địa phương, làm cơ sở để ban hành các chính sách giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng cũng như phân bổ ngân sách hợp lý, hiệu quả hơn” - ông Ngô Trường Thi nói.
Xu hướng chung của thế giới
GS John Hammock, nhà đồng sáng lập Tổ chức Sáng kiến phát triển con người và Nghèo đói Oxford, cho rằng ở châu Âu, trong khi 20% dân số nghèo thu nhập và 20% thiếu hụt vật chất thì chỉ có 10% dân số vừa nghèo thu nhập vừa thiếu hụt vật chất. Quan sát này đã thúc đẩy châu Âu chuyển sang phương pháp đo lường nghèo đa chiều đến năm 2020. Hiện nay, xu hướng đo lường nghèo đa chiều đã được nhiều quốc gia trên thế giới từng bước áp dụng.
Bình luận (0)