Đằng sau con số khô khan này là thân phận của hàng chục triệu người ngày đêm vất vả kiếm cái ăn nhưng không phải lúc nào khi đêm về trong giấc ngủ họ có thể no bụng; có thể có những giấc mơ đẹp đẽ mà không trăn trở về tương lai của con cái. Cặm cụi với cái ăn, cái mặc cũng đồng nghĩa những ước mơ đơn giản nhất về một mái nhà ấm êm, một cuộc sống vui vẻ, những ước mơ giản đơn... cũng rất xa vời.
Minh họa sống động cho con số trên là những hình ảnh buồn bã mà bất cứ ai cũng có thể gặp hằng ngày trên đường. Đó là những cụ già phong phanh trong manh áo mỏng lầm lũi trên đường bán vé số; là những cháu bé lấm lem trên lưng mẹ, ngước ánh mắt khát khao qua các cửa hàng trên phố; là bao đôi vai cong oằn với gánh hàng rong... mà đêm về có thể ngủ vùi ở một mái hiên nào đó.
Những con số trên càng xót xa hơn khi được đặt bên cạnh những con số khó hiểu khác là hàng ngàn chiếc xe công ngốn tiền triệu mỗi tháng dư thừa chạy trên đường hằng ngày mà nếu được quản chặt thì sẽ tránh lãng phí đến 15.000 tỉ đồng/năm. Rồi còn rất nhiều trụ sở ngàn tỉ, quảng trường hằng trăm triệu USD đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng trong sự khó hiểu, mất mát và nghèo khó của bao người.
Đáng xấu hổ hơn, “ông chủ” của các công trình trên dường như không thấy những người nghèo khó phải đóng thuế để xây dựng công trình hoành tráng.
Đã xảy ra khá nhiều vụ thất thoát, thua lỗ của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước gây bức xúc. Đơn cử chỉ số tiền thất thoát từ vụ án của Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - thôi đã có thể giúp cho hàng ngàn đứa trẻ đến trường. Một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước, lòng người bất an chính là tham nhũng. Đến nay, hiệu quả của công tác chống tham nhũng vẫn chưa như mong muốn, thậm chí chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Một xã hội giàu có đâu phải chỉ là nhiều tiền. Quan trọng là xã hội đó có phân chia lợi nhuận công bằng; người dân - ngay cả những người kém may mắn nhất - có được hưởng những thành quả của xã hội mang lại? Chúng ta có thể tự hào về bao kết quả đã đạt được nhưng về mặt lương tri, khi còn bao nhiêu người dân phải khốn khó sống qua ngày, thì có gì đáng tự hào?
Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành quả lớn lao. Nhưng như thế là chưa đủ và sẽ không bao giờ đủ nếu những ung nhọt xã hội chưa được gỡ bỏ, những mầm mống làm nghèo đất nước còn có thể sinh sôi, những người có tiền, có quyền vẫn dửng dưng với đồng loại.
Sự nghèo khó là hình thức bạo lực tồi tệ nhất. Câu nói trên của nhà cách mạng Ấn Độ Mahatma Gandhi là lời cảnh báo cho bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời điểm nào và bất cứ một nhà điều hành xã hội nào.
Bình luận (0)