Đồ họa của báo chí Nhật Bản miêu tả hành vi đưa-nhận hối lộ giữa JTC và quan chức các nước Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa tổ chức cuộc họp lần hai với lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản để bàn về giải pháp tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các dự án giao thông vận tải sử dụng vốn ODA.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Kimihiro Ishikane - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản - cho rằng vụ việc của Công ty tư vấn giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tin cậy của người dân đối với những dự án viện trợ ODA. Ông Kimihiro Ishikane tin tưởng rằng trong cuộc họp lần này, hai bên sẽ có sự trao đổi thẳng thắn liên quan đến việc đưa ra các giải pháp để có thể giải quyết những vấn đề hiện nay.
“Để có thể tiếp tục triển khai những dự án ODA và nhận được sự thấu hiểu cũng như sự ủng hộ của người dân cả hai nước, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc vụ việc này. Phía Việt Nam có những hành động xử lý kịp thời, kiên quyết trước nghi án này mà trước hết là chuyến thăm Nhật Bản để thu thập thông tin của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Chính phủ Nhật Bản ghi nhận những động thái tích cực của Việt Nam và hi vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp kịp thời và xử lý nghiêm vụ việc này” - ông Kimihiro Ishikane nhấn mạnh.
Ông Kimihiro Ishikane cũng cho biết phía Nhật Bản sẽ trình bày những định hướng, biện pháp liên quan đến việc thực hiện những dự án viện trợ ODA mới và những dự án đang được thực hiện cũng như thảo luận biện pháp phòng ngừa tái phát những vụ việc tương tự.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói: “Tôi tin tưởng rằng với sự nghiêm túc, khẩn trương của các bên liên quan đến vụ việc vừa rồi và những trao đổi hết sức tích cực về các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong thực hiện các dự án giao thông vận tải sử dụng ODA của Chính phủ Nhật Bản. Thông qua trao đổi này tiếp tục tăng cường, chia sẻ và thúc đẩy việc thực hiện các dự án ODA cũng như định hướng cho việc sử dụng hiệu quả các dự án ODA”.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT tiến hành điều tra xác minh, làm rõ thông tin về việc JTC đã chi một khoản tiền hối lộ cho một số lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1- giai đoạn I” bằng vốn ODA của Nhật Bản.
Đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT khẩn trương điều tra xác minh nghi án hối lộ ODA quan chức đường sắt và bước đầu đã làm rõ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can.
Cụ thể là:
Khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo Điều 281 Bộ luật Hình sự) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 285 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Ban quản lý dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Đồng thời, khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét đối với một số cán bộ thuộc ngành đường sắt, gồm:
1. Ông Trần Quốc Đông (50 tuổi), chức vụ: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”;
2. Ông Phạm Hải Bằng (45 tuổi), chức vụ: Phó Giám đốc RPMU về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
3. Ông Phạm Quang Duy (39 tuổi). Chức vụ: Phó Giám đốc RPMU về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
4. Ông Nguyễn Nam Thái (37 tuổi). Chức vụ: Trưởng phòng Dự án 3, RPMU về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
5. Ông Trần Văn Lục (56 tuổi), Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam), nguyên Giám đốc RPMU về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
6. Ông Nguyễn Văn Hiếu (52 tuổi), Giám đốc RPMU về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, cho biết đang tập trung điều tra, làm rõ vụ án và hành vi sai phạm của các đối tượng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)