Tỉnh Phú Yên có 2 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến để bảo vệ Gạc Ma - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - vào ngày 14-3-1988. Đó là liệt sĩ Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) và liệt sĩ Trương Văn Thịnh (phường 9, TP Tuy Hòa). Những ngày này, nơi 2 anh chôn nhau cắt rốn dường như ấm áp hơn bởi tiếng bước chân, tiếng nói cười của đồng đội về thăm.
Mong ngóng ngày giỗ đồng đội
Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà điện thoại của anh Đào Thái Thi, đại diện Ban Liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên, cứ liên hồi đổ chuông. Bên kia, giọng một người oang oang: “Tụi mày lo giỗ sao rồi? Tụi tao về đông lắm đấy!”.
Mấy ngày qua, vì mãi lo tổ chức giỗ cho 2 đồng đội mà anh Thi quên bẵng việc chăm sóc quán nước nhỏ ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa vốn là nguồn sống chính của gia đình. Anh hết chạy ngược lên nhà mẹ Lê Thị Niệm (mẹ của liệt sĩ Dư) lại xuôi xuống nhà mẹ Nguyễn Thị Đảo (mẹ liệt sĩ Thịnh) để lo cho ngày giỗ. “Mấy năm trước, tụi nó về chật cả nhà, không có cả chỗ đứng. Năm nay còn đông hơn. Mỗi năm, anh em chỉ gặp nhau trong dịp này” - anh Thi cho biết.
Anh Thi và đồng đội lo một thì mẹ của 2 liệt sĩ nôn nao gấp bội. Đã thành thông lệ, các đồng đội tự nguyện đóng góp kiểu có gì góp nấy, cây nhà lá vườn để chuẩn bị giỗ cho anh Dư và anh Thịnh. Còn vài ngày nữa mới đến ngày giỗ nhưng mẹ Niệm đã loay hoay chuẩn bị gạo nếp để gói bánh. 87 tuổi, lưng mẹ Niệm giờ đã còng đi nhiều. “Mỗi năm, mẹ chỉ đợi đến ngày này. Mẹ gặp các con như thấy thằng Dư trở về. Nó ở dưới biết các con về đông là vui lắm!” - mẹ lau nước mắt ngậm ngùi.
Mẹ Niệm kể mấy hôm trước trở trời, mẹ phải liên tục uống thuốc vì sợ ngã bệnh sẽ không gặp được đồng đội của anh Dư. Trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn của người mẹ tảo tần lại ánh lên niềm mong đợi đồng đội của con tề tựu đông đủ trong ngày giỗ.
Ở cách đó không xa, mấy ngày nay, mẹ Đảo cũng đứng ngồi không yên. Đi không còn vững, vậy mà mẹ cứ hối thúc anh Trương Văn Cảnh phải chở mình đến nhà riêng của anh (nơi tổ chức giỗ cho liệt sĩ Thịnh) để xem chuẩn bị đến đâu rồi. “Tụi nhỏ sống tình nghĩa lắm, 27 năm rồi mà giỗ nào cũng nhớ đến thằng Thịnh để về” - giọng mẹ Đảo nghẹn lại.
Nghe dựng tượng đài, mừng phát khóc
Anh Trương Văn Cảnh là anh trai của liệt sĩ Trương Văn Thịnh. Bao năm nay, anh Cảnh vẫn luôn day dứt về ngày mà em trai mình ra đi. Tết năm ấy, được đơn vị cho nghỉ phép, anh Thịnh mừng rỡ gọi điện về nhà thông báo. Thế nhưng, anh Cảnh đã khuyên em nên ở lại, chờ dịp khác về phép.
“Ngày đó, gia đình chúng tôi nghèo lắm! Nghe Thịnh được phép về quê ăn Tết, tôi mừng biết mấy nhưng rồi nghĩ tiền đâu để em đón xe vào lại đơn vị? Tiền xe vào Cam Ranh lúc ấy chỉ 50 đồng mà nhà cũng không có. Thịnh phải chấp nhận trả phép để ở lại rồi ra đi mãi mãi... Hai mươi mấy năm rồi, tôi luôn ân hận về lời khuyên vì cái nghèo ngày đó của mình đối với em. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu ngày đó Thịnh về phép, không ra đảo thì cũng có đồng đội khác của em ra đảo và hy sinh” - anh Cảnh ưu tư.
Năm nay, gia đình và đồng đội của liệt sĩ Thịnh sẽ giỗ chay để cầu mong hương hồn anh và đồng đội đã hy sinh ở Gạc Ma được siêu thoát. Nghe chúng tôi cho biết sắp tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, anh Cảnh mừng phát khóc: “Có chỗ hương khói cho Thịnh và đồng đội, ai mà không mừng? Má tôi cũng sẽ đỡ nhớ con, dù gì thì đã 27 năm rồi”. Vừa dứt lời, người đàn ông rắn rỏi này bỗng khóc như đứa trẻ.
Khi nghe chúng tôi nhắc đến việc dựng tượng đài, mẹ Niệm lặng đi hồi lâu, đôi mắt đầy vết chân chim nhìn xa xăm. Rồi đột nhiên, mẹ nấc nghẹn: “Mẹ biết mà... Mẹ biết đồng đội và nhân dân luôn nhớ đến Dư và những anh em đã hy sinh ở Trường Sa… Xây tượng đài, anh em nó có nơi nương tựa, có chỗ để bà con tưởng nhớ đến anh em nó… Mẹ phải sống đến ngày có tượng đài để vào xem tên thằng Dư được khắc ở đấy ra sao”. Hai dòng nước mắt cứ lăn dài trên đôi má nhăn nheo của mẹ Niệm.
Gặp mặt cựu binh Trường Sa
Anh Huỳnh Bá Thoại, một đại diện khác Ban Liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên, cho biết chiều 14-3, Ban Liên lạc cựu binh Trường Sa Phú Yên sẽ tổ chức buổi gặp mặt thân mật những cựu binh Trường Sa trong cả nước. Hơn 300 cựu binh từng chiến đấu và công tác tại Trường Sa sẽ dự buổi gặp mặt này.
Tại buổi gặp mặt, dự kiến cựu binh Trường Sa sẽ được gặp lại Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh - người kiên quyết giữ cờ trước vòng vây kẻ thù trên đảo Gạc Ma - và được nghe câu chuyện cảm động của những nhân chứng sống trong trận hải chiến năm ấy. Trong đó, nhiều người bị Trung Quốc bắt và đã được trở về. Tất cả đều vui mừng khi một công trình mang ý nghĩa tâm linh như Đài Tưởng niệm Gạc Ma sắp được khởi công.
Bình luận (0)