xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghiệm thu tàu vỏ thép... trên giấy!

Bài và ảnh: ANH TÚ

Quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước và sau khi lắp đặt, đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, chứng nhận thí nghiệm máy

Chiều 22-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định đã công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP vừa hạ thủy chưa lâu đã hỏng. Ngoài một đơn vị đóng tàu vắng mặt là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định), các thành phần liên quan đều tham dự đầy đủ.

Máy đểu, thép Trung Quốc

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Tổ trưởng Tổ Thẩm định độc lập của tỉnh Bình Định - cho biết từ phản ánh của ngư dân về việc 18 tàu vỏ thép vừa hoạt động đã bị hư hỏng, UBND tỉnh đã thành lập tổ thẩm định để kiểm tra về việc này. Trong đó, 14 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) đóng, 4 tàu còn lại do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.

Nghiệm thu tàu vỏ thép... trên giấy! - Ảnh 1.

Chuyên gia thẩm định kiểm tra chất lượng tàu cá vỏ thép hư hỏng ở Bình Định

Kết quả thẩm định 17/18 tàu (1 tàu ngư dân đang đánh bắt xa bờ chưa về) cho thấy 12 tàu có phần vỏ bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư cụ và các thành phẩm. Trong đó có 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc bị gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường và đối chiếu các hồ sơ, ngoài 5 máy hoạt động ổn định, 9 máy chính còn lại hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) có nhiều chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Về việc này, hãng Mitsubishi cũng đã có văn bản xác nhận 8/9 động cơ trên không phải là máy thủy chính hãng mà có dấu hiệu là máy bộ hoán cải.

Riêng 3 máy chính hiệu Doosan (Hàn Quốc) có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động không ổn định, các động cơ của 3 máy bị nóng, trong đó có 1 máy hư hỏng nặng. Qua kiểm tra hồ sơ cho thấy 3 máy này có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ và thực tế. Bên cạnh đó, 25 máy phụ lắp trên 17 tàu vỏ thép, có 2 máy không nhãn mác, chỉ đóng số chìm; 1 máy hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất nhưng ghi máy lắp ráp tại Singapore; 2 máy không có nhãn mác. Trong số đó, 3 máy phụ Cummins hoạt động không ổn định, nổ không đều, đôi khi tắt trong quá trình khai thác; 1 máy phụ Mitsubishi bị vỡ thân, không hoạt động được; 1 máy phụ Mitsubishi hư hỏng do hở bạc.

Ngoài ra, không ít bộ phận, thiết bị khác của nhiều tàu cá cũng có "vấn đề", như máy đo sâu dò ngang bị hỏng; bóng đèn cao áp được lắp ráp không đúng như hợp đồng; nhiều hầm bảo quản đọng nước, giữ nhiệt kém...

Nhiều chi tiết chưa sáng tỏ

Trên cơ sở đó, Tổ Thẩm định tàu vỏ thép tỉnh Bình Định đề nghị 2 đơn vị đóng tàu thay mới toàn bộ 10 máy chính, thay thế toàn bộ phần vỏ thép không đạt chuẩn cấp A và sửa chữa, thay thế lại các bộ phận, thiết bị không đúng trong hợp đồng cũng như thiết kế.

Theo Tổ trưởng Tổ Thẩm định Trần Văn Phúc, đối với các máy chính lắp trên các tàu do Công ty Nam Triệu đóng, qua kiểm tra hồ sơ, các đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản đã nghiệm thu phần máy chính trước khi lắp đặt và khẳng định máy mới 100%. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước và sau khi lắp đặt, đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, chứng nhận thí nghiệm máy... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ít nhất 8 máy chính lắp đặt trên tàu cá bị hư hỏng nặng không phải là máy thủy chính hãng Mitsubishi.

Giải thích về việc này, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm, cho rằng qua kiểm tra các bộ hồ sơ máy chính, do có đầy đủ giấy tờ chứng minh đó là máy thủy mới 100% nên đăng kiểm viên đồng ý cho lắp đặt. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt, các đăng kiểm viên không đối chiếu kỹ hồ sơ, thông số kỹ thuật trên động cơ mà chỉ kiểm tra xem hệ thống máy chính có hoạt động không và thấy chạy thử ổn nên đã chứng nhận đủ điều kiện vận hành.

Phóng viên Báo Người Lao Động đặt vấn đề nếu như các hồ sơ máy thủy đều hợp lệ thì không có chuyện ít nhất 8 máy chính mang thương hiệu Mitsubishi được lắp ráp trên các tàu vỏ thép không phải máy thủy chính hãng. Vậy phải chăng trong số các hồ sơ máy thủy trên có ít nhất 8 bộ hồ sơ máy thủy được làm giả nhưng cơ quan đăng kiểm không phát hiện? Giải đáp thắc mắc này, ông Đức chỉ nói rằng đây là lỗi của đăng kiểm viên đã không phát hiện mà chẳng hề đề cập phải chăng có chuyện hồ sơ máy thủy được làm giả hay không.

Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cam kết thay máy thủy mới chính hãng Mitsubishi như trong hợp đồng và khắc phục những hư hỏng trên các con tàu cho ngư dân sớm ra khơi. Còn đối với đơn vị cung cấp máy sẽ có cách xử lý riêng.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết do các doanh nghiệp đóng tàu vẫn chưa cung cấp đủ hồ sơ nguồn gốc các máy chính hiệu Doosan, máy phụ và một số thiết bị khác nên nhiều chi tiết trong các tàu vỏ thép vẫn chưa được sáng tỏ. Sau khi làm rõ những vấn đề này, sở sẽ báo cáo cụ thể UBND tỉnh Bình Định để có những bước tiếp theo. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo