xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngư dân sợ... tàu vỏ thép

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Lo sợ trước thông tin tàu thép hư hỏng, một số ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế làm đơn xin chuyển dự án đóng tàu vỏ thép sang tàu gỗ để bảo đảm an toàn.

Xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 25 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất từ 350 CV đến hơn 800 CV. Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ, xã này có 4 hộ đăng ký đóng tàu vỏ thép để bám biển vươn khơi, tăng hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, sau khi có thông tin một số tàu vỏ thép ở các tỉnh Nam Trung Bộ hỏng hóc, ông Nguyễn Thanh Phát - Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xa bờ xã Vinh Thanh - cho biết một số ngư dân ở xã rút đăng ký đóng tàu vỏ thép vì sợ.

Hư hỏng thì trắng tay

Ông Đỗ Khể (ngụ thôn 2, xã Vinh Thanh) nói trước đó đã đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 với tổng số vốn 18,6 tỉ đồng và được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt. Tuy nhiên, khi có thông tin tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định phải nằm bờ do hỏng hóc, ông lo lắng nên có đơn gửi cơ quan chức năng xin chuyển qua đóng tàu vỏ gỗ.

"Tàu vỏ gỗ của tôi chỉ có giá trị trên 14 tỉ đồng, thấp hơn vỏ thép đã phê duyệt nhưng yên tâm hơn. Chúng tôi là ngư dân, con tàu là tài sản lớn nhất của cuộc đời mình nên phải bảo đảm chất lượng, mới đóng mà không may hư hỏng thì trắng tay" - ông Khể tâm sự.

Ngư dân sợ... tàu vỏ thép - Ảnh 1.

Đại diện chính quyền địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp gỡ chủ tàu vỏ thép để hỗ trợ

Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, xác nhận toàn xã này có 4 ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, trong đó có trường hợp ông Khể đã được các cơ quan chức năng phê duyệt vốn. Đến nay, ngoài một trường hợp tự rút đơn do khó khăn vay vốn, 3 trường hợp còn lại xin chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ. Theo ông Chính, việc chuyển loại tàu cá là nguyện vọng của ngư dân khi họ tính toán kỹ và chính quyền địa phương không can thiệp.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng khẳng định đây là chuyện bình thường và đó là quyền lựa chọn của ngư dân.

Tàu vỏ thép vẫn bảo đảm

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay mới chỉ có 2 tàu vỏ thép hạ thủy, bàn giao cho ngư dân sử dụng theo hình thức chìa khóa trao tay. Cả 2 tàu đều do Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á đóng, mỗi tàu trị giá 18,4 tỉ đồng (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế tài trợ 95% số vốn), trong đó tàu của ông Nguyễn Hôi (ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) dài trên 28 m, lượng chiếm nước đầy tải là 213 tấn, chiều cao mạn sườn giữa 3,15 m.

Ông Nguyễn Hôi cho biết từ khi hạ thủy đến nay, tàu có 4 chuyến ra khơi và có lãi sau khi trừ chi phí. Ông Trần Văn Chiến (ngụ xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) - chủ tàu vỏ thép còn lại - nói tàu của ông đã có 5 chuyến đánh bắt xa bờ, kéo dài từ 15-20 ngày/chuyến, đều có lợi nhuận cao. Về chất lượng, các chủ tàu vỏ thép này khẳng định đến nay chưa xảy ra sự cố nào, tất cả đều bảo đảm.

Ông Nguyễn Công Vụ, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á, cho biết luôn theo sát ngư dân để hỗ trợ khi có yêu cầu từ chủ tàu. "Quá trình đóng tàu chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo hợp đồng đã ký kết, những chi tiết của tàu dù nhỏ nhất khi điều chỉnh đều có sự thống nhất của các bên. Vừa rồi, chúng tôi đã hoàn thành bọc nhựa composite trên boong tàu của ông Chiến theo yêu cầu để chống trơn trượt cho các thuyền viên khi ra khơi" - ông Vụ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình khẳng định đến bây giờ, phía Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa nhận được phản ánh nào của ngư dân về chất lượng các tàu vỏ thép đã hạ thủy. "Qua kiểm tra giám sát, đến thời điểm này, chúng tôi thấy chất lượng các tàu đều bảo đảm theo thiết kế" - ông Bình nói thêm.

Xử lý nghiêm, không có ngoại lệ

Ngày 19-6, Công an tỉnh Bình Định cho biết chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an về việc xử lý vụ tàu vỏ thép trên địa bàn vừa hạ thủy đã hỏng. Tại cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an), UBND tỉnh và Công an tỉnh Bình Định, các bên đã thống nhất sau khi có kết luận của tổ thẩm định độc lập về chất lượng 18 con tàu vỏ thép hư hỏng, nếu phát hiện cơ sở đóng tàu không dùng thép đúng như hợp đồng để đóng tàu thì buộc tháo ra làm lại, không lắp máy thủy mới chính hãng thì thay máy; nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì khởi tố vụ án. Ai sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó chứ không có ngoại lệ.

Trong một diễn biến khác, các chủ tàu vỏ thép hư hỏng đang vay vốn tại các chi nhánh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tại Bình Định cho biết vừa được phía ngân hàng đồng ý giãn nợ để chờ kết quả xử lý vụ tàu vỏ thép. Hai ngư dân có tàu vỏ thép hỏng vay tại Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Bình Định cho biết đang bị ngân hàng này gây áp lực để đòi nợ. A.Tú

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo