Do đi học thiếu sinh quân ở Liên Xô từ nhỏ nên tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn biết nhiều về gia đình ông bởi hai nhà ở ngay cạnh nhau trên đường Hoàng Diệu, TP Hà Nội. Khi học đại học ở Liên Xô, tôi lại chung một khóa với chị Võ Hồng Anh, con gái đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cha tôi và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những người vào sinh ra tử ở nhiều mặt trận và chính quân địch đã dạy các ông phải chiến đấu ra sao. Đó chính là lý do khi chỉ huy ở các mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dùng những người có tài chứ không bao giờ dùng người chỉ vì thân thiết hay cảm tính cá nhân.
Sau này, tôi mới hiểu nghệ thuật quân sự của Việt Nam được phản ánh rất rõ qua cách cầm quân, cách chỉ huy của các vị tướng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cha tôi. Nhiều người nói ông Giáp và ông Tấn chỉ biết… tấn công kiểu giáp lá cà với quân địch nhưng thực tế, cả hai đều là những người có tư tưởng phải chắc thắng mới đánh bởi xương máu bộ đội cũng là xương máu đồng bào ta.
Nhiều người nói chúng ta thắng nhờ vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc viện trợ nhưng tôi cho rằng không có những vị tướng tài ba như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thấm nhuần nghệ thuật và tư tưởng quân sự Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm thì chúng ta không thể có những chiến thắng vĩ đại.
Là con người rất sắc sảo trong nghệ thuật quân sự và dùng người nhưng điều tôi ấn tượng hơn cả ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự điềm tĩnh, lịch thiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ông luôn mang phong thái của một nhà giáo, một vị tướng nhân văn trong mọi hành động và quyết định của mình.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh khi cha tôi mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên trong số các lãnh đạo có mặt. Ông gục đầu bên lĩnh cữu cha tôi và khóc như vừa mất đi một người thân.
Khi hay tin bác Giáp từ trần, tôi liền chạy ngay vào Bệnh viện 108, dù vệ binh đã phong tỏa khu vực điều trị đặc biệt. Tôi thầm nghĩ vậy là một ngôi sao lớn đã ngừng tỏa sáng...
Bình luận (0)