Hai ngày trước, những cơn mưa trút xuống vùng đất Quảng Bình như khóc tiễn người con ưu tú của quê hương thì hôm qua (13-10), trời nắng nhẹ. Vũng Chùa - đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) như một thung lũng nằm dưới chân núi Thọ, bao bọc bởi những hòn đảo nhỏ xung quanh, cỏ cây xanh ngát.
Gác lại mọi việc
Ông Nguyễn Thái Bình (53 tuổi, ngụ xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết từ 3 giờ, ông đã cùng vợ và 8 người khác trong thôn chở nhau bằng xe máy, vượt quãng đường trên 200 km để có mặt tại Vũng Chùa - đảo Yến vào lúc 7 giờ. Cả đời làm nông vất vả, biết bao công việc lo toan nhưng vợ chồng ông và bà con chòm xóm vẫn gác lại tất cả để vào viếng Đại tướng. “Chẳng lẽ với một vị Đại tướng đã hy sinh cả cuộc đời để giữ từng mảnh đất cho Tổ quốc mà mình lại không thể bỏ ra chút thời gian đưa tiễn” - ông Bình nói.
Dù mồ hôi nhỏ từng giọt trên trán nhưng đại tá Hàm vẫn kể một cách say sưa về những kỷ niệm với Đại tướng, về nhiệm vụ được Đại tướng giao. “Đối với tôi, Đại tướng không những là cấp trên mà còn là một người anh, người đồng đội chiến đấu vì Tổ quốc. Tôi rất tự hào vì có được một người anh, một lãnh đạo anh hùng như vậy” - đại tá Hàm đưa tay gạt nước mắt.
Đến 15 giờ 30 phút, hàng ngàn người dân ở Vũng Chùa - đảo Yến lặng im trong tiếng chuông thanh tịnh giữa mênh mang núi rừng khi linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp dần dần vào nơi an táng. Ai cũng ngậm ngùi, đưa ánh mắt đẫm lệ dõi theo chiếc linh xa xa dần. Khi hộp kính được giở ra, đội tiêu binh nâng nhẹ linh cữu Đại tướng và đưa về nơi an táng. Dù đứng rất xa nhưng hình ảnh đó đã khiến những ai có mặt tại Vũng Chùa - đảo Yến không thể cầm lòng. Tiếng nấc phát ra từ tâm can của từng người hòa chung với nỗi đau của dân tộc. Giây phút thiêng liêng giữa không gian thanh tịnh đó cũng khiến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức tang lễ, xúc động khi đọc lời tuyên bố bắt đầu lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khuất sau ngôi nhà chuông, dưới những tán cây xanh mát, từng nắm đất từ từ được thả xuống huyệt mộ giữa điệu nhạc bi ai hòa cùng tiếng nấc nghẹn của bao người.
Sống mãi trong lòng dân
Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết thúc vào khoảng 17 giờ nhưng tại chân núi Thọ vẫn còn rất nhiều người dân nán lại với tâm nguyện thắp một nén hương lòng.
Đã gần 10 năm kể từ lần cuối Đại tướng về thăm quê hương (tháng 11-2004) nhưng ông Xứ và cả dân làng An Xá, huyện Lệ Thủy vẫn không quên nụ cười đôn hậu, giọng nói ấm áp và lời căn dặn của bác Giáp. “Đại tướng rất thích ăn cá bóng kho tộ, thịt kho dừa, nghe hò khoan Lệ Thủy. Mỗi lần ông về, dân làng cứ gọi rằng ba đã về, ông đã về nhưng giờ đây ông đã về với đất mẹ vĩnh hằng rồi” - ông Xứ không kìm được xúc động.
Còn vợ chồng anh Lê Văn Nghĩa (ngụ phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) bồng đứa con nhỏ vừa mới lên 1 tuổi và dắt tay đứa con gái đầu lòng 4 tuổi theo dòng người vào viếng Đại tướng. Khuôn mặt phờ phạc, mệt mỏi sau cả một ngày dưới trời nắng nhưng gia đình anh vẫn quyết lên tận nơi. “Nhà ở cách sân bay Đồng Hới chưa đầy 3 km nhưng chúng tôi muốn ra đây để được thắp nén nhang tưởng nhớ Đại tướng” - anh Nghĩa nói.
Trong hành trang ra nơi an táng Đại tướng, ngoài cơm nước, anh Nghĩa không quên mang theo chiếc máy ảnh để ghi lại những hình ảnh cuối cùng về Đại tướng. “Khi 2 con đủ lớn, vợ chồng tôi sẽ kể lại cho các cháu nghe về một vị tướng tài ba, hết lòng yêu nước. Đại tướng đã về nơi chín suối nhưng người mãi mãi sống trong lòng chúng tôi” - anh Nghĩa tâm sự.
Buổi chiều của ngày chủ nhật mùa thu, trời tối nhanh, dòng người vẫn lên khu mộ Đại tướng bất chấp cả rừng cây gai, dây leo chằng chịt. Dù biết sẽ phải lên đường về quê với những lo toan thường ngày nhưng ai cũng muốn đến gần nơi an táng chỉ để thắp nén nhang hay chí ít cũng nhìn được tận mắt nơi an nghỉ của Đại tướng thì mới thỏa lòng.
Thấy linh cữu là mãn nguyện rồi!
Từ sáng sớm, cụ Đào Minh Tâm (72 tuổi, thương binh) đã chống nạng đi bộ hơn 3 km đến trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình để dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ Tâm cho biết cụ chỉ được nhìn thấy linh cữu Đại tướng qua truyền hình nhưng cảm thấy vô cùng gần gũi, thân thiết. “Nếu có điều kiện, tôi xin được đeo khăn tang cho người anh cả Võ Nguyên Giáp” - cụ Tâm nói.
Cụ Đào Minh Tâm chống nạng đi bộ hơn 3 km để viếng Đại tướng
Theo cụ Tâm, năm 1960, cụ may mắn được Đại tướng bắt tay tại Tỉnh ủy Quảng Bình rồi ân cần động viên hoàn thành tốt công việc được giao. Khi biết Đại tướng qua đời, cụ lặn lội tìm ảnh chân dung Đại tướng về nhà thờ. “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là được nhìn thấy linh cữu Đại tướng khi về với quê hương Quảng Bình, thế là mãn nguyện lắm rồi” - cụ Tâm thổ lộ.
Tin-ảnh: H.Dũng
|
Đạp xe 1.300 km dâng Đại tướng 10 gói đất nghĩa trang Nhiều đoàn đến dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình sáng 13-10 xúc động trước tấm lòng thành kính của 3 thanh niên đến từ TP HCM. Ba bạn đã mang theo 10 gói đất được lấy từ nhiều tỉnh, thành dọc đường để dâng lên linh cữu Đại tướng.
Ba thanh niên này đã vượt hàng ngàn cây số để mang 10 gói đất dâng Đại tướng Bạn Bùi Kiến Quốc (23 tuổi), thuộc Tổ chức tình nguyện Tương Lai Xanh, người đã nảy ra ý tưởng, cho biết việc gom đất từ 10 nghĩa trang liệt sĩ kính viếng Đại tướng là mong Đại tướng dưới suối vàng được yên giấc ngàn thu. Để có thể gom được 10 gói đất thuộc 10 nghĩa trang, đoàn của Bùi Kiến Quốc đã đi xe đạp, vượt quãng đường gần 1.300 km từ TP HCM ra Quảng Bình.
Tin-ảnh: T.Minh
|
Bình luận (0)