Chúng tôi trở lại thăm ông Tô Đình Cắm vào những ngày đầu tháng 5-2017, khi cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2017). Trong căn nhà tình nghĩa ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, người duy nhất còn sót lại của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa vẫn ngày ngày hương khói cho vị chỉ huy thân thương của mình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Kỷ vật vô giá
Năm nay đã 95 tuổi, ông Tô Đình Cắm không còn minh mẫn nhưng nhiều kỷ niệm về một thời binh nghiệp, ông vẫn nhớ khá rõ. Trong đó, những kỷ niệm, kỷ vật về người chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông không thể nào quên.
Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Cắm dành một nơi trang trọng để đặt bàn thờ và di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là tấm ảnh mà đồng đội mừng thọ khi ông 88 tuổi. Hằng ngày, ông tỉ mẩn lau chùi bàn thờ, hương khói tươm tất cho Đại tướng.
Dù tuổi cao sức yếu nhưng việc hương khói cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được ông Tô Đình Cắm chăm chút tươm tất
Lấy ra chiếc áo khoác còn mới, ông Cắm nâng niu trên đôi tay run run, khoe với chúng tôi: "Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng tôi chiếc áo này. Đây là kỷ vật vô giá đối với tôi. Hồi còn được ở cùng với bác Văn, chúng tôi chỉ lo chiến đấu, chẳng giữ lại được kỷ vật gì. Đến năm 1997, khi có dịp gặp lại nhau, bác Văn đã tặng tôi chiếc áo này. Tôi không dám mặc mà giữ nó làm kỷ niệm".
Quay sang thắp hương trên bàn thờ Đại tướng, người lính già xúc động: "Nhớ quá, nhớ quá, đồng chí Văn ơi… Giờ thì anh đã đi rất xa rồi. Đồng đội ngày ấy chỉ còn lại mình tôi…".
Là người dân tộc Tày, ông Tô Đình Cắm sinh năm 1922 tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Từ khi còn thiếu niên, ông đã tham gia nhiều tổ chức, đoàn thể như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc…
Sau đó, ông được ông Nông Văn Lạc, "cánh tay phải" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giác ngộ và đưa vào hàng ngũ 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. "Khi biết tôi đi theo cách mạng, bọn tay sai của Pháp ở Tam Kim đã treo giá 300 kg muối để "săn đầu" tôi" - ông nhớ lại.
Như người cha, người anh
Nhắc lại những ngày đầu hoạt động đầy gian khó của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, giọng ông Cắm sôi nổi hẳn: "Khổ lắm, phải luồn lách trong rừng nhưng được đồng bào giúp đỡ nên chúng tôi đều vượt qua. Nhất là trận đánh Phai Khắt và Nà Ngần, Đồng Mu…". Đó là những trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mở đầu cho truyền thống bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ông Cắm được nhà nước, quân đội, chính quyền địa phương thường xuyên chăm lo
Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, trong ký ức chắp nối, không còn mạch lạc của mình, ông Cắm thường xuyên nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tình cảm rất trân quý. Ông Cắm cho biết khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo năm 1944, ông càng có nhiều cơ hội được gần gũi Đại tướng. Đưa tay dụi đôi mắt đỏ hoe, ông xúc động: "Bác Văn rất gần gũi và nói chuyện rất hay. Vì vậy, anh em ai cũng kính nể bác, không ngại gian khổ và hy sinh để cùng quyết tâm chiến thắng mọi trận đánh".
Ông Cắm cho biết khi tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thì ông chỉ mới 23 tuổi. "Ban đêm, khi ngủ chung, tôi thường gác chân lên người bác Văn. Lắm lúc bác ấy mắng: "Mày hay gác quá, làm tao không ngủ được!". Nói thế thôi nhưng bác vẫn để tôi ngủ cùng" - ông hồi tưởng.
Với ông Cắm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như cha, người anh trong gia đình. Bố mất sớm khi ông mới tròn 6 tuổi, có cơ hội gặp Đại tướng sớm nên ông được chỉ bảo rất nhiều điều, từ lời ăn tiếng nói cho đến cách cư xử thường ngày. "Bác Văn đã dạy tôi cách ăn ở, đi lại với người Mán phải như thế nào, với người H’Mông phải ra sao... Nhờ đó, tôi mới biết được nết ăn ở của đồng bào để hòa mình tốt hơn. Nhớ nhất là khi đi bí mật, bác Văn cứ dặn đi dặn anh em trong đơn vị là phải biết khiêm tốn, đừng lấy bất cứ thứ gì của dân" - ông hồi tưởng.
Đưa tay vuốt nhẹ di ảnh Đại tướng, ông Cắm cho biết: "Chỉ 3 ngày sau khi tuyên thệ 10 lời thề danh dự của đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chúng tôi cùng với người chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã tham gia đánh đồn".
Sớm rời quân ngũ
Do tuổi cao sức yếu và trí nhớ có phần sa sút, ông Tô Đình Cắm trò chuyện với chúng tôi trong sự "giúp sức" của người con trai qua việc chắp nối những hồi tưởng, ký ức, lời kể của cha.
… Sau khi cùng đồng đội giành chiến thắng trong trận đánh ở Phai Khắt và Nà Ngần, ông Tô Đình Cắm về công tác ở huyện Nguyên Bình và Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng. Tháng 1-1945, người chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân này được kết nạp Đảng. Tháng 8-1945, ông Cắm có mặt trong lớp người tiến vào giải phóng tỉnh Bắc Kạn. Sau đó một tháng, vào tháng 9-1945, ông theo đoàn quân Nam tiến, tới tận Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Tháng 6-1946, trong một trận đánh, ông Cắm bị thương ở chân. Sau khi điều trị vết thương, ông được chuyển ra Quảng Nam rồi trở về Cao Bằng. Tháng 10-1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ông xung phong tái ngũ và được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh.
Năm 1950, ông Cắm góp mặt trong trận đánh Đông Khê của Chiến dịch Biên giới thu đông và lại trúng đạn của địch, bị thương ở vai. Bởi vết thương quá nặng, ông đành rời quân ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ...
Dù thời gian tại ngũ chiến đấu không lâu nhưng quãng đời binh nghiệp của ông Tô Đình Cắm vẫn khiến bản thân ông và gia đình rất tự hào. Quan trọng hơn, ông còn là chứng nhân duy nhất còn sống của chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần và là đội viên còn lại cuối cùng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Mong con cháu noi gương
Đến năm 1991, ông Tô Đình Cắm cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào sinh sống tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Giờ đây, người lính già ngày ngày lo hương khói cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vui vầy cùng con cháu.
Nhiều đoàn thể, tổ chức ở địa phương đã thường xuyên đến thăm viếng, chăm lo cho ông Cắm. Phía trước căn nhà tình nghĩa ông đang ở, một ngôi nhà mới cũng đã được xây dựng từ nguồn kinh phí của nhà nước dành cho gia đình ông.
Con, cháu của ông Cắm nhiều người đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng. Với các con, cháu, dù đang ở cạnh bên hay sinh sống ngoài quê Cao Bằng, khi có dịp gặp gỡ là ông thường kể những câu chuyện về "bác Văn" như một tấm gương sáng ngời để con cháu noi theo.
Bình luận (0)