Mọi chuyện cũng đã khá rõ ràng và những trường hợp vi phạm cũng chẳng còn xa lạ gì. Đáng tiếc là những vụ việc tai tiếng này vốn âm ỉ và gây bất bình cho người dân đã lâu nhưng nay mới có biện pháp xử lý cụ thể. Hầu như tất cả các trường hợp bổ nhiệm người nhà vào cơ quan mình lãnh đạo không phải được phát hiện bởi cơ quan công vụ. Điều này cho thấy thông tin về hoạt động của bộ máy chính quyền ở nhiều địa phương không được minh bạch. Sự bưng bít này rất lộ liễu trong mắt số đông người dân nhưng vì sao lại dễ dàng qua mặt được cả một bộ máy hành chính tại địa phương?
Không phải ngẫu nhiên mà trong dân gian lưu truyền câu: “Con vua thì lại làm vua...” và cũng chẳng ngẫu nhiên người dân thời nay luôn e ngại câu nói: “con ông cháu cha”. Hằng ngày, chúng ta thường nghe nhiều cán bộ than thở vì dân vì nước, công việc bề bộn, học tập đến bạc đầu... nhưng đồng lương còn ít ỏi, cuộc sống quá vất vả. Thế nhưng, mỗi đợt tuyển người vào các cơ quan nhà nước, dù chỉ là cơ quan “bèo bọt” cấp xã, phường thôi mà người dân bình thường nào có chen chân nổi? Chỗ nào cũng “có mâm có bát”, có “dây mơ rễ má” cả rồi. Nhiều người mỉa mai: Khổ thế, lương thấp thế sao cán bộ cứ muốn đưa bằng được người nhà, người quen của mình vào. Khổ thế nhưng có mấy cán bộ xin nghỉ việc và có mấy người còn sống trong nghèo khó!?
Vấn đề trên đâu chỉ dừng lại ở việc bổ nhiệm, tuyển dụng người nhà mà còn là chuyện thâu tóm quyền lực ở bộ máy hành chính, đưa “người của mình” vào các vị trí then chốt để dễ “làm việc”, không sợ bị soi mói, kiểm soát. Những vấn đề trên cũng phần nào lý giải được nguyên do những sai phạm ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước diễn ra trong một thời gian dài mà không bị phát hiện. Đến khi vỡ lở thì mọi chuyện đã rồi và không thể giải quyết nổi hậu quả. Câu chuyện ở Bộ Công Thương trước đây liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy với việc thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng tại các doanh nghiệp do bộ quản lý là minh chứng rõ ràng nhất cho nạn bổ nhiệm người nhà chứ không phải người tài.
Câu chuyện này mang lại một hậu quả đau lòng khác chính là triệt tiêu cơ hội của những người đủ khả năng, đức độ muốn làm việc nghiêm túc, cống hiến cho địa phương, cho đất nước. Những vị trí làm việc lẽ ra phải được thi tuyển để cạnh tranh sòng phẳng, mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân đã bị chính những người có quyền thế ưu tiên cho người nhà, người thân tín của mình. Lâu dần, người dân cũng không còn dám tin vào tinh thần “phục vụ” của bộ máy hành chính mà mình phải đóng thuế để nuôi.
Xử lý sai phạm là điều hiển nhiên phải làm và vấn đề cốt lõi hơn là phải có biện pháp triệt tiêu những cơ chế, bộ máy đã để xảy ra những sai phạm đó.
Bình luận (0)