Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa - Đồng Nai), nơi tập trung hàng ngàn bệnh nhân tâm thần, như một thế giới riêng tách biệt với bên ngoài. Ở đó có những con người mang số phận nghiệt ngã tự khóc cười, la hét, xé quần áo… trong vô thức, song cũng có những câu chuyện lúc tỉnh táo hiếm hoi của họ khiến người nghe trào dâng một niềm thương cảm.
Đủ kiểu bị tâm thần
Khoảng sân BV Tâm thần Trung ương 2 buổi chiều u ám, se sắt gió; vài chiếc lá vàng rơi trong lặng lẽ, cô tịch. Ngồi đối diện với chúng tôi là một phụ nữ nhỏ bé, mới ngoài 30 tuổi nhưng mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc. Đó là Liên, vào viện đã hơn 10 năm. Giọng bình thản, chị trải lòng về cuộc đời mình…
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở miền Trung gồm có 4 anh em, Liên là em út, thuở nhỏ vốn quen được chiều chuộng. Hạnh phúc tuổi thơ không kéo dài được lâu. Khi Liên lên 10 tuổi, người mẹ mắc bạo bệnh rồi qua đời. Không lâu sau, vì quá buồn phiền, bố chị cũng mắc bệnh rồi mất. Bốn anh em bơ vơ nương tựa vào nhau để sống. Một thời gian sau, người anh lớn của Liên lập gia đình, ba anh em còn lại đùm bọc nhau.
Các nữ bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa - Đồng Nai) Ảnh: XUÂN HOÀNG
Nào ngờ, chính khối nhà đất bố mẹ để lại là căn nguyên khiến tình cảm của mấy anh em nhà Liên dần sứt mẻ, rồi cuối cùng coi nhau như kẻ thù. Giá đất lúc đó tăng vọt, sau những lần cãi vã vì tranh chấp, thậm chí đánh nhau, 2 người anh của Liên kiện người anh cả ra tòa. Tòa ra phán quyết nhưng cả 2 bên đều cho là không công bằng.
Riêng Liên, dù không đứng hẳn về bên nào nhưng trong thâm tâm cô trách người anh cả tham lam, bất nghĩa. Thế rồi, tuổi 20 non dại, trong một đêm mưa gió, cô bị người anh cả và chị dâu đuổi ra khỏi nhà. Sáng sớm hôm sau, người đi đường thấy một cô gái mặt bơ phờ, tóc xõa rũ rượi ngồi bên cầu cứ khóc xong rồi lại cười, miệng lẩm bẩm: “Bố ơi, mẹ ơi…”.
Cô giáo H. mong ngày trở về với trường, lớp
Các bác sĩ cho biết lúc mới vào đây, Liên luôn gào thét, cười khóc đầy đau đớn và căm hận. Cô chửi người anh tham lam, chị dâu độc ác. Trải qua thời gian dài điều trị, bệnh tình của cô dần thuyên giảm.
Vài năm trở lại đây, tinh thần cô khỏe khoắn hơn nhiều nhưng sức khỏe còn quá yếu. Liên nói bây giờ không còn căm hận anh chị nữa, sẽ bỏ qua tất cả, đời có là bao mà sân si. Cô nói khi khỏe hẳn sẽ về quê làm công nhân, lấy chồng. “Lấy chồng… đẹp trai như Jang Dong Gun” - Liên nói rồi bất chợt cười ngây ngô, thật tội nghiệp!
Một nam bệnh nhân khác là Lê Văn Thượt, sinh năm 1968, quê Hà Tĩnh, vào đây đã 24 năm. Thượt vào viện là bởi một cú vấp ngã vì tình. 20 tuổi, cậu si mê một cô gái đẹp ở làng bên. Khi ấy, Thượt dại dột thách người bạn thân “cưa đổ” người yêu của mình. Thế là người bạn ra tay, Thượt mất người yêu, trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Có thế thôi mà bị tâm thần, chôn đời trong BV đến 24 năm, đắng chát vô cùng!
Hy vọng không tắt
Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong phòng phục hồi chức năng là Nguyễn Thị H., 29 tuổi, từng là một giáo viên THCS ở huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai. Lý do vào viện của cô không có gì đặc biệt. Vốn sức khỏe yếu, công việc căng thẳng, trong lúc dạy học bỗng nhiên mọi người nhận thấy cô giáo trẻ chợt vào ra thơ thẩn, rồi nói chuyện lơ mơ.
Bệnh càng ngày càng nặng, cô được đưa vào đây điều trị nhiều lần, cuối cùng đành phải ở hẳn lại để chữa trị lâu dài. Thấm thoắt mới đó mà đã 3 năm. Từ lúc vào đây, dù những lúc bệnh nặng nhưng nhớ trường, nhớ học trò, cô vẫn thường tưởng tượng mình đang giảng bài. Người ta thường thấy cô đứng nhìn vào thinh không, có khi ngó trân trân những bệnh nhân khác mà giảng bài, cứ sin, cos, alpha, phương trình bậc 2…
Ở bệnh viện tâm thần, ngoài những tiếng gào thét, khóc cười điên loạn còn có những đam mê đàn, hát và hy vọng ngày trở về
Khi tỉnh táo, H. buồn bã kể: “Em học xong, vào nghề sư phạm chưa được bao lâu, còn bao nhiêu là mơ ước, thế mà giờ mang bệnh như thế này thì thật buồn. Em hy vọng sẽ trở về với nghề giáo”. Các bác sĩ tại Khoa C2 - nơi Hường đang điều trị - cho biết dạng bệnh của cô giáo trẻ này khá nhẹ, không quậy phá và nhanh thuyên giảm. Nhiều lần, bệnh nhân đã được cho xuất viện nhưng rồi hễ quên uống thuốc là cơn bệnh tái phát, phải nhập viện trở lại.
Tại khu nam khoa, Nguyễn Việt - từng là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học, đam mê triết học và hội họa - nhập viện vì chứng tâm thần phân liệt, luôn hoang tưởng cho rằng mình giỏi hơn thiên hạ. Trong sinh hoạt hằng ngày, Việt thường tưởng tượng mình là một “vĩ nhân”, có thể giúp lèo lái con thuyền kinh tế đất nước vươn lên hoặc hiến kế cho Tổng thống Barack Obama điều hành nước Mỹ (!). Tuy nhiên, những lúc tỉnh táo, Việt rất khiêm tốn. Với kiến thức khá rộng, cậu ta có thể “đàm đạo” hàng giờ với các bác sĩ về hội họa, kinh tế, triết học và cả… tâm thần học với thái độ cầu thị.
“Mong muốn của em là muốn thu nạp được nhiều kiến thức để rồi làm một điều gì đó có ích. Bây giờ bệnh tật thế này, tất cả những gì em thể hiện chỉ trong cơn điên thôi, còn những gì em có chắc cũng chỉ là ảo vọng… Hy vọng những ngày buồn này sẽ chấm dứt” - Việt tâm sự.
Đừng kỳ thị
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Khoa B3 (tâm thần nam) - BV Tâm thần Trung ương 2, cho biết trong BV còn những trường hợp có hoàn cảnh rất đặc biệt; nhiều người vốn là sinh viên, trí thức.
Bệnh của họ có khi tự phát cũng hay do một cú sốc nào đó hoặc vì áp lực công việc, cuộc sống quá lớn.
Khi bệnh nhân đã lành bệnh trở về với cộng đồng thì người thân, xóm giềng đừng kỳ thị vì điều đó có thể vô tình gây tổn thương đến họ. |
Kỳ tới: Trong “khu phạm”
Bình luận (0)