Bác là Tô Xuân Thanh (SN 1954, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá), một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Miền Nam.
“Tôi nghe tin bác Giáp mất mà như sét đánh ngang tai, như mất đi người cha ruột thịt. Bố chết như thế nào thì Đại tướng chết tôi cũng khóc như thế. Tôi chỉ kịp thông báo với vợ rồi tức tốc lấy chiếc xe Honda Cub 50 đã có 20 năm tuổi phóng từ nhà ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa ra Hà Nội” - bác Thanh kể lại.
Lâu lắm bác không đi xe xa như thế, chiếc xe lại mua từ năm 1993 nên cũng đã cọc cạch. Song lúc ấy, xúc cảm về sự mất mát khi Đại tướng ra đi đã khiến bác không nghĩ gì khác. Bác chỉ nghỉ ăn trưa ở đường Quốc lộ 1A rồi đi liền một mạch mất hơn 5 tiếng mới ra tới Hà Nội.
Đến Hà Nội, bác chỉ kịp gọi điện nói với các con: “Đại tướng mất rồi, bố phải lên viếng Đại tướng ngay!”. Thế rồi bác tìm đường lên nhà riêng 30 Hoàng Diệu để viếng vị Đại tướng mà mình nhất mực kính yêu.
Xếp hàng nhiều giờ vào viếng một lần chưa đủ, kể từ khi lên tới Hà Nội 10-10, ngày nào bác Thanh cũng đến xếp hàng nhiều giờ để vào viếng. Tổng cộng bác đã vào viếng tới 4 lần ở nhà riêng Đại tướng. Bác nói: “Tôi muốn ở lâu vì tiếc thương Đại tướng. Đại tướng quá vĩ đại, là một người chiến đấu hoàn toàn vì dân, vì Đảng. Đại tướng là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau học tập. Tôi chưa được gặp Đại tướng ngoài đời nên chỉ biết vào viếng để thể hiện tình cảm của mình”.
Ngày đầu tiên, bác Thanh phải xếp hàng 4 tiếng mới được vào viếng. Mấy hôm sau bác xếp hàng sớm nên được vào sớm hơn. Ngoài viếng vào sáng sớm, tối đến bác lại đến nhà Đại tướng và đứng ở ngoài vái vọng.
Bác ở Hà Nội đến hôm nay là ngày thứ 6. Từ sáng sớm, bác Thanh đã ra Công viên Y-éc-xanh đợi xếp hàng vào viếng linh cữu Đại tướng. "Hôm nay phải nhìn được Đại tướng thì tôi mới toại nguyện. Ngày mai nữa, tôi cũng sẽ đưa bác ra sân bay. Phải được đưa tiễn bác hết chặng đường thì một người lính như tôi mới cảm thấy thực sự được mãn nguyện vì bác xứng đáng được sự tin yêu của tất cả mọi người" - bác Thanh nói.
Được biết, bác Thanh là lính của đơn vị Đại đội trinh sát 21, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, quân đoàn 4. Nhiệm vụ của bác là bám nắm địch, lên sơ đồ tác chiến cho đơn vị chiến đấu chiến trường Miền Đông Nam Bộ trong thời gian từ năm 1972 đến năm 1975 thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, bác cùng đồng đội ở lại, về căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, TP HCM. Từ tháng 9-1977, bác Thanh tiếp tục tham gia chiến đấu tại trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Ngày 7-1-1979, bác Thanh tham gia đội quân đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đến năm 1984, bác bị thương lần thứ 3 rồi trở về địa phương. Ở địa phương, bác tham gia công an xã và cán bộ chính sách thương binh - xã hội đến năm 1990 thì nghỉ hưu.
Gia đình bác Thanh có tới 5 người đều học đại học. Năm ngoái bác được Tổng cục kỹ thuật tặng 1 nhà tình nghĩa nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Đời lính của tôi được như bây giờ là mãn nguyện lắm rồi, tôi chỉ mong được nhìn thấy Đại tướng nữa thôi” - bác Thanh nói rồi xiết chặt thêm tấm ảnh Đại tướng vào lòng.
Bình luận (0)