Ngày 14-4, trước phản ánh của một số bạn đọc về việc nhiều nhà hàng, cửa hiệu chỉ phục vụ riêng cho người Trung Quốc (TQ), trong vai khách du lịch, chúng tôi đã tìm hiểu thực hư.
Chặn ngay tại cửa
Trước tiên, chúng tôi đến một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường Vân Đồn, phường Phước Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cửa hàng này ghi rõ chủ hộ kinh doanh là người Việt.
Đến trước chúng tôi là những người khách TQ và họ được niềm nở mời vào. Khi chúng tôi cho biết muốn mua hàng thì lập tức bị 2 bảo vệ chặn lại: “Mời em ra ngoài. Anh nói vậy là em hiểu rồi… Người ta không cho phép” - một bảo vệ nói dứt khoát với nét mặt lạnh băng. Khi chúng tôi hỏi lý do, người bảo vệ này lấp lửng: “Em thông cảm, người ta đồng ý thì em mới được vào”.
Chúng tôi không chịu rời đi, buộc người bảo vệ phải xin phép viên quản lý. Phải đợi rất lâu, người quản lý mới đồng ý cho chúng tôi vào. Bên trong cửa hàng có 2 phòng lớn trưng bày rất nhiều mặt hàng lưu niệm. Ngoài giá bằng tiền đồng, nơi đây còn để giá bằng nhân dân tệ. Người quản lý nhìn chúng tôi ra vẻ suy xét rồi cho biết cửa hiệu đón cả khách TQ, Hàn Quốc và Việt Nam. Thế nhưng, hầu hết các câu khẩu ngữ, tranh trên tường tại đây đều ghi chữ TQ.
Tại nhà hàng G.T trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Nha Trang), cũng gắn bảng ghi tên hộ kinh doanh là người Việt nhưng khi chúng tôi vừa đến thì lập tức bị chặn hỏi với ánh mắt dò xét: “Mấy anh đi đâu, làm gì?”. Sau khi một đồng nghiệp than đói, chúng tôi mới được vào trong.
Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi món ăn, nhân viên lại đưa ra một thực đơn toàn tiếng TQ. Chúng tôi thắc mắc thì nhân viên nói rằng phải chờ phiên dịch đến mới biết tên món ăn. Thế nhưng, chờ mãi vẫn không thấy phiên dịch đến, chúng tôi đành ra về...
Lúng túng xử lý
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh Văn phòng UBND TP Nha Trang, cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân về việc một số nhà hàng, cửa hiệu chỉ đón khách TQ, không tiếp khách Việt nên tổ chức đoàn đi kiểm tra. Qua kiểm tra, đoàn nhận thấy các nơi này chỉ chuyên hợp đồng phục vụ cho tour lữ hành khách TQ. Đoàn kiểm tra nhắc nhở chứ không xử lý.
Theo ông Trần Hữu Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, chính cán bộ của chi cục khi đến một số cơ sở cũng bị từ chối khéo. “Họ nói chỉ bán theo đoàn, có cả ê-kíp, phải mở máy lạnh…, do không có người phục vụ nên không vào được” - ông Lý nói.
Ông Lý thừa nhận vấn đề này “rất đau đầu” vì chưa biết xử lý thế nào. Quy định hiện hành chưa có chế tài xử phạt hành vi phân biệt đối xử dù Luật Thương mại nêu rõ kinh doanh phải bình đẳng.
Trao đổi với báo chí, ông Đinh Văn Cường, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin TP Nha Trang, cho biết vừa phối hợp với 3 phường của TP kiểm tra một số địa điểm kinh doanh mà người dân phản ánh chỉ phục vụ khách TQ. Sổ ghi chép tại những nơi này ghi đầy đủ người các quốc tịch, trong đó khách TQ nhiều hơn. Đoàn cũng kiểm tra, nhắc nhở khoảng 50 điểm kinh doanh vi phạm việc ghi tiếng nước ngoài sai quy định.
Về việc thực đơn toàn tiếng TQ ở những nơi mà phóng viên đi thực tế, ông Cường cho rằng như vậy là vi phạm quy định. Theo chủ trương của TP Nha Trang, cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở trước, cho thời gian khắc phục, nếu không khắc phục mới xử phạt. Còn hành vi phân biệt đối xử thì chưa có quy định xử lý như thế nào.
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa vừa báo với các cơ quan chức năng thời gian qua, tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang có người TQ làm hướng dẫn viên (HDV) trái phép. “Về nguyên tắc thì người nước ngoài không được phép làm HDV nhưng chúng tôi không thể cấm họ. Chúng tôi không có chức năng ngăn chặn, xử phạt việc này mà thẩm quyền thuộc Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa” - ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Trước thực tế này, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa khẳng định sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay việc người TQ làm HDV du lịch.
Bình luận (0)