Chưa đầy 1 ngày sau khi xảy ra vụ sập nhà cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, cơ quan hữu trách đã bước đầu xác định được nguyên nhân sự cố chấn động dư luận cả nước này. Theo đó, có 2 nguyên nhân chính, đó là căn biệt thự đã được xây dựng từ năm 1905 và mưa nhiều ngày qua thấm vào tòa nhà làm giảm khả năng chịu lực. Tóm lại, tất cả đều là những nguyên nhân khách quan, do thời gian và ông trời.
Chưa biết trong quá trình làm rõ nguyên nhân chính thức dẫn tới vụ sập ngôi biệt thự cổ sau này có cơ quan hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn nghiêm trọng này không. Trong báo cáo gửi UBND TP, Sở Xây dựng Hà Nội đã nêu rõ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị đang trực tiếp quản lý và sử dụng biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, phải chịu trách nhiệm giải quyết, khắc phục và xử lý vụ sập nhà này. Tuy chỉ ra một địa chỉ trách nhiệm song cũng chỉ là trong việc giải quyết hậu quả, chứ chưa biết có phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra sự cố gây thương vong hay không.
Hậu quả nặng nề của vụ sập ngôi biệt thự 107 Trần Hưng Đạo khiến những người sinh sống và làm việc trong hàng trăm căn nhà cổ tương tự ở Hà Nội không khỏi hoang mang, lo lắng. Theo thống kê, hiện tại Hà Nội còn khoảng 200 biệt thự xây dựng từ thời Pháp, cách đây trên dưới một thế kỷ. Rất nhiều ngôi nhà cổ này dù có thể đã được cải tạo và nâng cấp nhưng cũng đã quá cũ kỹ, thậm chí mục nát.
Được biết, không ít biệt thự cổ ở Hà Nội đã được các nhà thầu xây dựng thời Pháp, với sự chuyên nghiệp và trách nhiệm, đã gửi văn bản thông báo cho Việt Nam về việc đã hết thời gian sử dụng, không còn an toàn nếu tiếp tục khai thác. Đã có bao nhiêu thông báo này được quan tâm, xử lý thích đáng nhằm ngăn ngừa sự cố đáng tiếc? Biệt thự bị sập ở 107 Trần Hưng Đạo có được phía Pháp gửi thông báo hay không?... Có làm rõ được những vấn đề này mới xác định chính xác trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng cũng như vụ sập ngôi nhà cổ ngày 22-9. Điều quan trọng hơn là không để xảy ra vụ sập nhà cổ trong tương lai.
Nếu cứ xác định nguyên nhân sập là do thời gian và trời mưa hay những nguyên nhân khách quan khác thì hiểm họa sập nhà còn treo trên đầu những người sinh sống trong các căn nhà cổ đã hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn.
Bình luận (0)