Cuộc đua chiếm lĩnh và khai thác nguồn tài nguyên biển vì thế đã được khởi động và bắt đầu diễn ra sự cạnh tranh gay gắt, trước hết là giữa các cường quốc trên thế giới và các quốc gia đảo cũng như ven biển.
Việt Nam là quốc gia có “mặt tiền” biển tới hơn 3.200 km cùng khoảng 3.000 hòn đảo, trong đó có 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, biển càng có vị trí, vai trò trọng yếu đối với sự phát triển cũng như bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, kinh tế biển đóng góp ngày một nhiều vào GDP cả nước và hiện chiếm khoảng 48% GDP.
Theo đánh giá, biển chúng ta có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng, quy mô khá, cho phép phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; cảng biển, vận tải biển, sửa chữa và đóng tàu; khai thác tài nguyên khoáng sản; du lịch; thông tin liên lạc… Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là kinh tế biển hiện chưa tương xứng với tiềm năng biển mà chúng ta có. Từ đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản cho tới công nghiệp du lịch, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp khai thác khoáng sản hay dịch vụ vận tải biển... đều còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung.
Nói cách khác là do thiếu “nhạc trưởng” trong quy hoạch, vạch và điều phối chiến lược phát triển, thống nhất quản lý Nhà nước đã hạn chế tới việc khai thác, phát huy các lợi thế biển của chúng ta. Đã đến lúc phải có một nhạc trưởng trong hoạt động kinh tế biển và hải đảo.
Chúng ta đã đề ra “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu tổng quát đưa đất nước trở thành quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53%-55% GDP, 55%-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Một “nhạc trưởng” như Bộ Kinh tế biển chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy và hiện thực hóa những mục tiêu này.
Bình luận (0)