Ngày 19-4, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát lại hiện trạng của Hòn Mun sau khi Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang (Công ty Hòn Tằm) đề xuất thực hiện dự án Khu Du lịch Bảo tồn sinh thái đảo Hòn Mun.
Không đề cập việc bảo tồn
Theo đề xuất, Công ty Hòn Tằm xin sử dụng toàn bộ diện tích 18.340 m2 đất tự nhiên trên đảo Hòn Mun để xây dựng khu du lịch với công suất 800 khách tham quan/ngày theo 3 đợt. Công trình cấp 4, chiều cao dưới 7 m, gồm: cầu tàu, nhà đón khách, nhà thông tin - giáo dục về bảo tồn biển, 4 chòi tranh lớn, 12 chòi nhỏ, hệ thống xử lý nước, nhà hàng, nhà trẻ em, phòng kỹ thuật và công trình phụ trợ khác… Tổng vốn xây dựng dự án trên 30,5 tỉ đồng, trong đó 70% vay từ ngân hàng. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm.
Công ty Hòn Tằm cho rằng việc đầu tư vào Hòn Mun không mất thời gian và tốn kém trong chi phí giải phóng mặt bằng; thực trạng cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ phục vụ cho du khách hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của du khách tham quan; dự án thực hiện hoàn toàn phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa… Tuy nhiên, ông Huỳnh Bình Thái, phụ trách Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển với hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú. Điều lạ là không thấy Công ty Hòn Tằm đề cập việc bảo tồn ra sao.
“Quan trọng nhất của khu bảo tồn biển là bảo tồn để trở thành một điểm nhấn, một sản phẩm du lịch biển chứ không phải sử dụng cho mục đích kinh tế. Thật khó nói nhà đầu tư bỏ tiền ra mà không sinh lợi, nhưng muốn sinh lợi thì phải đầu tư thu hút du khách. Trong khi đó, lượng khách đến Hòn Mun đang quá tải, chúng tôi phải vây phao phân vùng để họ tắm sao cho ít ảnh hưởng đến việc bảo tồn nhất” - ông Thái băn khoăn.
Theo ông Trần Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, dự án này xin hoạt động trên phạm vi toàn Hòn Mun là chưa phù hợp. Phương án đầu tư lại rất sơ sài, nhiều thiếu sót. Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng cho biết khi trình bày, dự án Hòn Mun còn nhiều vấn đề cần rà soát lại.
Nhiều hệ lụy
Theo ông Trần Minh Thái, để bảo tồn, phát huy Hòn Mun thì nên giao nhà nước đầu tư, quản lý thống nhất cả trên đảo và dưới nước hoặc chỉ nên hợp tác đầu tư với doanh nghiệp, cho thuê lại để việc quản lý được hiệu quả, chứ không nên giao hẳn cho doanh nghiệp. Việc đầu tư chỉ nên dừng lại ở bố trí thêm cây xanh, chòi nghỉ bằng vật liệu đơn giản; không nên đầu tư công trình kiên cố, không kinh doanh lưu trú, không xây dựng khu vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, cần tính toán lại lượng khách phù hợp để có những giới hạn nhất định khi tham quan khu bảo tồn biển.
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, hiện có khoảng 15 CLB bơi lặn, hơn 200 thuyền du lịch và hàng chục hộ dân làm dịch vụ liên quan đến Hòn Mun. Nếu thêm dự án của Công ty Hòn Tằm thì nhiều hộ dân sống nhờ Hòn Mun sẽ ra sao?
TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải Dương học, cho rằng việc xây dựng công trình tại khu bảo tồn biển phải có đánh giá tác động môi trường để thấy được mức độ ảnh hưởng. Trong khi đó, phương án của Công ty Hòn Tằm đưa ra chỉ nói sơ sài về nước thải và rác thải sinh hoạt. Trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa từng xử phạt Công ty Hòn Tằm về hành vi vi phạm Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường khi công ty này san ủi đảo Hòn Tằm, đồng thời san lấp luôn cả một phần vịnh Nha Trang để xây dựng nhà hàng, khách sạn…
Trong khi đó, ông Phạm Minh Nhựt, đại diện Công ty Hòn Tằm, cho biết qua làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, công ty rút kinh nghiệm nhiều vấn đề. Trong đó, việc bảo tồn được xác định là quan trọng nhất nên công ty sẽ xây dựng một quy chế bảo tồn dựa vào quy chế mà Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang thực hiện. Công ty cũng sẽ hợp tác với Viện Hải Dương học và các chuyên gia của Thái Lan để xây dựng quy chế bảo tồn. “Chúng tôi sẽ giữ nguyên hiện trạng 100%; sử dụng vật liệu nhẹ như tre, nứa, dừa ở đây” - ông Nhựt nói.
Đừng để phải trả giá!
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, đơn vị tư vấn Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Mỹ) vừa thuyết trình ý tưởng xây khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và tâm linh ở Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với diện tích trên 300 ha.
Liên quan đến khu vực mà WATG nêu ý tưởng, PGS-TS Võ Văn Phú, giảng viên Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế (chuyên gia đa dạng sinh học và môi trường), cho biết từng nghiên cứu về đa dạng sinh học và xuất bản cuốn sách về động thực vật ở đây vào năm 2004. Theo đó, VQG Bạch Mã là rừng đặc dụng, tính đa dạng sinh học rất cao. Hệ sinh thái ở đây rất đặc thù, có thảm xanh chạy từ Lào ra biển Đông và từ Quảng Nam ra Quảng Trị - duy nhất có ở Việt Nam. Chính vì vậy, khu vực này thu hút được lượng động, thực vật di cư từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại; là nơi giao lưu, hội tụ các giống loài khác nhau mà không nơi nào có.
“Tôi hy vọng Thừa Thiên - Huế không phát triển du lịch như những khu bảo tồn khác để cuối cùng phải trả giá. Tôi không phản đối ý tưởng quy hoạch nhưng theo tôi thì khó tìm ra giải pháp để vừa bảo tồn vừa phát triển bền vững đa dạng sinh học. Các giải pháp WATG đưa ra chỉ giảm thiểu chứ chắc chắn có tác động đến đa dạng sinh học. Ý tưởng quy hoạch này phù hợp với vùng đồi núi nhưng áp dụng ở khu rừng đặc dụng, với diện tích lớn thì sẽ mất nhiều hơn được mà không thể bù đắp” - ông Phú lo ngại. Q.Nhật
Bình luận (0)