Chiều 13-7, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có khoảng 1 giờ để thông tin thêm việc bộ này cấp phép cho Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
"Chất thải của biển nên đưa về biển"
Theo ông Sơn, trước khi cấp phép, Bộ TN-MT đã xem xét chi tiết hồ sơ nhận chìm vật, chất xuống biển của Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Do khu vực đề nghị nhận chìm chỉ cách Khu Bảo tồn biển Hòn Cau 8 km, là vùng nước trồi, có tầm quan trọng đối với ngư trường thủy sản nên sau gần 1 năm, Bộ TN-MT mới cấp phép, mặc dù theo quy định chỉ 3 tháng là được. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, các ủy viên hội đồng thẩm định rất quan tâm đến môi trường nên các giải pháp đưa ra chặt chẽ, tỉ mỉ, trong đó chú trọng tối đa đến môi trường.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau liệu có bị ảnh hưởng khi nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát?
Ông Sơn khẳng định chất nhận chìm không phải là chất xả thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cũng không phải là chất thải của quá trình nạo vét, mà là chất thải của biển nên đưa về biển. Qua phân tích các phóng xạ không vượt quy chuẩn cho phép; không chứa các chất độc hại vượt ngưỡng, nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành.
Ông Sơn còn quả quyết các chất nhận chìm đáp ứng 4 yêu cầu của pháp luật được cấp phép, gồm 80% là cát sạn, sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là các vật liệu cứng. Bộ TN-MT yêu cầu Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sắp tới có… nhà trưng bày các chất này cho người dân xem. Cũng theo ông Sơn, khu vực nhận chìm rộng 30 ha, thời gian nhận chìm từ nay đến ngày 31-10 là chấm dứt.
"Không đánh đổi môi trường"
Trước sự quan ngại của dư luận và các nhà khoa học về khả năng có thể xảy ra sự cố môi trường biển, uy hiếp Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, ông Sơn nhìn nhận: "Dư luận lo lắng là chính đáng, các nhà khoa học phản biện cũng hết sức chính đáng, để bảo đảm tốt nhất việc nhận chìm. Do đó, quan điểm xuyên suốt của Bộ TN-MT là không đánh đổi, hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Trách nhiệm của bộ là phải kiểm soát hoạt động nhận chìm theo giấy phép, khối lượng chuyên chở, đường đi, vị trí nhận chìm. Bộ cũng yêu cầu Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lắp hệ thống camera tự động, có người trực thường xuyên để quan trắc về thông số, hiện trường" - ông Sơn nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Việc đào chỗ này, lấp chỗ kia có tác hại gì? Liệu rằng nhận chìm mùa này, sang mùa sau vật chất nhận chìm đó có phát tán ra môi trường biển? Trong quá trình nhận chìm, nếu xảy ra sự cố phải làm như thế nào?...". Ông Phạm Ngọc Sơn chỉ trả lời chung chung: Trước và sau quá trình nhận chìm, môi trường sẽ được quan trắc thường xuyên. Khi nhận chìm, các đơn vị liên quan sẽ giám sát, không để phía chủ đầu tư dự án đổ vật, chất một chỗ mà phải đổ dàn trải đều trên diện tích 30 ha. Trong quá trình nhận chìm, nếu có bất kỳ sự cố về môi trường nào thì phía chủ dự án phải dừng ngay hoạt động.
Trả lời của ông Sơn không làm thỏa mãn các đại biểu. Bởi lẽ, khi có sự cố môi trường, dừng ngay là đúng rồi nhưng hậu quả thì giải quyết ra sao? Chưa kể, việc cho phép Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 "nhận chìm vật chất" còn tạo ra một tiền lệ đáng lo: Rồi đây, nếu hàng loạt nhiệt điện khác cũng xin "nhận chìm vật chất" ra biển, cơ quan chức năng sẽ ứng xử thế nào?
PGS-TS VŨ THANH CA, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN-MT:
Thiệt hại môi trường, sinh thái sẽ rất lớn
Theo báo cáo dự án nhận chìm của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, độ dày lớp đất cát nạo vét điển hình khoảng 14,5 m. Trong đó, có một lớp cát pha bùn sét với hàm lượng bùn sét không vượt quá 5%. Các lớp khác chủ yếu là cát và có rất ít bùn sét.
Khi bị đổ xuống biển, chất nạo vét sẽ trùm lên đáy biển và gây ra tác hại với các sinh vật sống ở đó. Nếu lớp chất đổ xuống dày, một số loài sinh vật sẽ chết. Ngoài ra, bùn và các chất độc hại (nếu có) trong chất nạo vét có khả năng hòa tan trong nước biển và bị dòng chảy biển mang đi, có khả năng ảnh hưởng tới các khu vực khác.
Với Khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda - những khu vực có các rạn san hô quý hiếm và hệ sinh thái rạn san hô với đa dạng sinh học rất cao, nếu bùn nạo vét bị vận chuyển tới và lắng đọng tại các khu vực này, thiệt hại về môi trường, sinh thái sẽ rất lớn. Vì vậy, dự án cần được thực hiện sao cho việc nhận chìm chất nạo vét ảnh hưởng không đáng kể tới khu vực nhận chìm.
Th.Dương ghi
TS NGUYỄN TÁC AN - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang:
Cần dừng việc nhận chìm bùn thải
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về các tác động đến hệ sinh thái khu vực biển mà Bộ TN-MT cấp phép nhận chìm vật, chất thải?
- TS Nguyễn Tác An: Khu vực biển Bình Thuận là khu vực động lực nước trồi, động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Việc đổ thải lại đúng thời điểm này sẽ tác động trong phạm vi 170 hải lý, chứ khoảng cách vài hải lý đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau không nghĩa lý gì.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau có gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động, thực vật khác quý hiếm. Do đó, việc nhận chìm có nguy cơ làm hư hại toàn bộ hệ sinh thái đa dạng nơi đây, phá đi nền tảng, xương sống để phát triển kinh tế biển.
. Phương pháp nhận chìm vật, chất thải mà Bộ TN-MT đưa ra có ổn khi cho xả trực tiếp xuống biển?
- Ở nhiều nước, những chất thải được đóng thành khối bê-tông, bỏ hộp chì để thả xuống độ sâu 4.000-5.000 m dưới biển, không thể trồi lên được. Nguyên tắc nhận chìm là không cho tạo thành nguồn ô nhiễm thứ cấp. Còn nhận chìm của mình là xả thải, dùng xà lan đưa bùn cát ra xả xuống biển thì chất thải có chìm được đâu? Mùa động lực từ tháng 6-9 mạnh như vậy thì sẽ xới tung lên hết, làm đục nước thì gây ô nhiễm thứ cấp rồi. Gần 1 triệu m3 thải xuống 30 ha thì đáy biển cao lên ít nhất 3 cm, ô nhiễm thứ cấp tác động sinh thái rất dữ dội kéo dài hàng chục năm.
. Ông khuyến cáo gì trước việc Tổng Công ty Phát điện 3 đề xuất nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn thải xuống biển Tuy Phong?
- Chưa bàn đến việc 2,4 triệu m3 bùn cát mà chỉ nhìn nhận gần 1 triệu m3 đã được cấp phép thì về mặt khoa học còn quá nhiều vấn đề bất ổn. Chúng ta cần tập trung giải quyết vấn đề trước mắt là giấy phép của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nên xử lý như thế nào? Bộ TN-MT cho phép thì giấy phép đó có hợp lệ, có đúng không? Ai chịu trách nhiệm về chuyện này? Trong quá trình bảo vệ môi trường làm đâu phải dứt khoát đến đấy.
Tôi cho rằng Chính phủ cần tạm dừng ngay việc cho phép xả thải để chờ thẩm định, trả lời các câu hỏi thỏa đáng cho xã hội, sau đó mới tính đến được phép hay không được phép.
Kỳ Nam thực hiện
Bình luận (0)