Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Kim Luận (SN 1991), nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông, để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều người, số tiền chiếm đoạt lớn nên cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Đánh vào lòng tin
Trước đó, bà Đỗ Thị Thúy (SN 1974; ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) gửi đơn tới cơ quan công an tố cáo Nguyễn Thị Kim Luận về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà 2,7 tỉ đồng. Tiếp đó, bà Phạm Thị Tương (SN 1975, ngụ cùng thị xã Gia Nghĩa) cũng làm đơn tố cáo bà Luận lừa đảo chiếm đoạt hơn 6,9 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Luận cũng đang bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số công dân khác.
Ngân hàng BIDV Chi nhánh Đắk Nông và bà Nguyễn Thị Kim Luận khi còn là nhân viên của ngân hàng này
Theo tố cáo của bà Thúy, giữa năm 2016, bà Luận thuê nhà của bà để ở. Sau một thời gian, giữa bà và bà Luận có mối quan hệ thân thiết. Bà thường giúp đỡ và xem bà Luận như em gái. Cuối năm 2016, biết bà chuẩn bị mở cửa hàng kinh doanh, gom nhiều tiền nên bà Luận lập kế hoạch chiếm đoạt tài sản.
Ngày 23-12-2016, bà Luận chở Thân Thị Diệu (SN 1982, ngụ thị xã Gia Nghĩa) tới nhà bà Thúy, giới thiệu là khách hàng của BIDV, hiện đến hạn trả nợ ngân hàng 2,7 tỉ đồng nhưng mới có 1,4 tỉ đồng nên hỏi vay 1,3 tỉ đồng trong thời gian ngắn để đáo hạn. Do thân thiết nên dù không biết bà Diệu là ai nhưng bà Thúy đồng ý cho vay. Cả bà Diệu và bà Luận cùng ký vào giấy vay nợ 1,3 tỉ đồng.
Tiếp đó, dù khoản tiền vay nói trên chưa trả nhưng bà Luận đưa tiếp Nguyễn Thị Lệ Hằng (SN 1984, ngụ thị xã Gia Nghĩa) tới và cũng giới thiệu là khách hàng vay vốn tại BIDV 2 tỉ đồng, hiện có 600 triệu đồng và cần vay 1,4 tỉ đồng trong 3 ngày để đáo hạn. Bà Thúy tiếp tục đồng ý, cả bà Luận và bà Hằng cùng ký tên vào giấy vay tiền.
Đến hạn, bà Thúy nhiều lần liên hệ yêu cầu trả tiền nhưng bà Luận lúc nói lãnh đạo ngân hàng đi công tác, lúc nói lãnh đạo ngân hàng bị tai nạn chưa ký giải ngân cho khách hàng được.
"Sau này tìm hiểu, tôi mới biết bà Diệu và bà Hằng không vay vốn tại BIDV. Bà Luận đã lợi dụng lòng tin của tôi, đưa những đối tượng khác tới nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của tôi" - bà Thúy bức xúc.
Thừa nhận không đáo hạn
Trong đơn tố cáo, bà Phạm Thị Tương trình bày: "Trong quá trình làm ăn, tôi nhiều lần giao dịch tại BIDV nên thân quen bà Luận. Sau một thời gian, bà Luận đặt vấn đề vay tiền để đáo hạn cho khách hàng trong thời gian ngắn và trả lãi đầy đủ. Do thấy bà Luận là nhân viên của một ngân hàng lớn, có uy tín nên tôi tin tưởng cho vay. Ngoài việc đưa tiền mặt, nộp tiền vào tài khoản của bà Luận, bà này còn đề nghị tôi nộp tiền vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân khác. Tất cả số tiền này bà Luận khẳng định sử dụng vào mục đích đáo hạn, khi ngân hàng giải ngân sẽ trả lại cho tôi. Mỗi lần tôi đưa tiền cho bà Luận và những người khác mà bà Luận giới thiệu là khách hàng, tôi đều yêu cầu bà Luận viết giấy vay nợ".
Bà Tương cho hay từ tháng 11-2016 đến đầu năm nay đã nhiều lần cho bà Luận vay hoặc cho những người bà Luận giới thiệu là khách hàng vay tổng số hơn 6,94 tỉ đồng. Sau nhiều lần thúc ép trả nợ, bà Luận thừa nhận sử dụng số tiền vay vào mục đích khác chứ không phải đáo hạn ngân hàng.
Chỉ là nhân viên "sai vặt"?
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc BIDV Chi nhánh Đắk Nông, cho biết tháng 9-2016, ngân hàng này ký hợp đồng lao động ngắn hạn với bà Nguyễn Thị Kim Luận làm việc tại Phòng Khách hàng doanh nghiệp. Nhiệm vụ của bà Luận chủ yếu là phụ giúp in sao tài liệu, hay gọi là "sai vặt" chứ không có nhiệm vụ làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng. Ngày 16-3, bà Luận làm đơn xin nghỉ việc, sau đó 4 ngày thì ngân hàng có quyết định cho thôi việc. Sau khi bà Luận nghỉ việc, ngân hàng mới nhận được đơn tố cáo của một số người dân. "Chúng tôi cũng đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến bà Luận cho cơ quan công an" - ông Cường cho biết thêm.
Bình luận (0)