xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nháo nhào vì tin đồn bắt cóc

QUANG NHẬT

Đằng sau các vụ việc người dân "tự xử" những đối tượng nghi bắt cóc trẻ em là hành vi câu like thiếu đạo đức và sự kích động đám đông cả tin để gây rối an ninh trật tự

Sau một tuần xảy ra sự việc người dân vây nhà đòi "xử" đối tượng nghi bắt cóc, cuộc sống của gia đình anh Võ Văn Thắng (ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vẫn chưa hết xáo trộn vì tin đồn thất thiệt.

Nháo nhào vì tin đồn bắt cóc - Ảnh 1.

Hình ảnh người dân bao vây đòi "xử" kẻ nghi bắt cóc ở Quảng Trị lan truyền trên mạng.Ảnh: Facebook

Vợ chồng anh Thắng có 2 người con, anh làm thợ nề, chị đi may. Sáng 28-7, anh Thắng đi làm sớm rồi trở về nhà thay áo quần đi uống cà phê. Mở cửa phòng ngủ không được, anh nghi có chuyện chẳng lành vì bên trong còn con trai 5 tuổi đang ngủ. Thế là anh phá cửa, ập vào, phát hiện 1 người lạ tóc dài, đội mũ bảo hiểm ở bên trong. Ngay lập tức, anh Thắng khống chế người này rồi báo lực lượng chức năng tới làm việc.

Ông Võ Tánh (SN 1960, cha anh Thắng) cho biết lúc anh bắt được đối tượng trên và tri hô, ông chạy vào thì cha con nhìn nhau đồng thanh hỏi "người này là ai?". Chưa hết bất ngờ, người dân gần đó kéo đến vây quanh nhà anh Thắng ngày càng nhiều.

Chỉ ít phút sau, vợ anh Thắng đang chăm con gái 9 tuổi bị sốt nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế điện thoại về với giọng hoảng hốt vì thấy Facebook loan tin. Ông Tánh kể: "Tôi trấn an con dâu bằng cách nói dối là đi xem bắt cóc. Sau sự việc xảy ra, nhiều người ở Mỹ, Canada dù không quen biết cũng liên hệ với tôi để hỏi sự tình".

Cùng thời điểm người dân vây nhà anh Thắng, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt nhiều hình ảnh, thậm chí có tài khoản còn phát sóng trực tiếp (live stream) trên Facebook về sự việc 1 đối tượng đột nhập nhà anh để trộm cắp và bắt cóc trẻ con. Vì vậy, người dân trong khu vực ùn ùn kéo đến nhà anh Thắng đòi "xử" kẻ bắt cóc. Lực lượng Công an huyện Hải Lăng phải huy động hơn 40 người đến giải cứu đối tượng khỏi vòng vây.

Nhiều người dân còn cho rằng đối tượng kia đi bắt cóc trẻ em, có dùng thuốc mê khi 6 con chó trong nhà ông Tánh hôm đó nằm bất động. Trong cốp xe của kẻ lạ mặt có một chai thuốc bị người dân nghi là thuốc mê...

"Hôm đó, có khoảng ngàn người đến nhà tôi, trời lại nắng to nên mấy con chó mệt, không sủa nổi mà chỉ nằm là chuyện bình thường. Còn thứ trong cốp xe mà mọi người nghi là thuốc mê chỉ là một chai nước lọc mà thôi" - ông Tánh giải thích.

Sau khi điều tra, Công an huyện Hải Lăng đã kết luận đối tượng đột nhập nhà anh Thắng là L.T.T (SN 1994; trú xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đi ăn trộm do không có tiền về quê. T. là người đồng tính, phát âm không chuẩn và hoảng loạn khi bị vây bắt nên nói năng không rõ.

Sau sự việc này, đại tá Trần Đức Triệu, Trưởng Công an huyện Hải Lăng, khuyến cáo người dân nên bình tĩnh xem xét sự việc cũng như tin tưởng, chờ đợi các cơ quan chức năng làm rõ. Đồng thời, không nên đưa thông tin thiếu chính xác lên mạng xã hội làm mọi người hoang mang, gây mất an ninh trên địa bàn. Người dân cũng không nên tin vào những lời đồn thất thiệt, không có cơ sở, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. 

Liên tục giải cứu người bị oan

Đầu năm 2017 đến nay, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ việc dân chúng vây bắt người lạ vì nghi ngờ họ bắt cóc trẻ em.

- Trưa 22-7, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip ghi lại cảnh người dân thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội khống chế, đánh đập 2 phụ nữ. Cơ quan chức năng xác định đó là 2 thành viên HTX tình thương huyện Mỹ Đức, đến xã Mai Đình để bán tăm chứ không phải bắt cóc trẻ em như tin đồn.

img

Công an giải cứu một phụ nữ bán tăm bị đánh đập vì nghi bắt cóc ở Hà Nội Ảnh từ clip

- Đêm 20-7, trên Facebook lan truyền nhiều hình ảnh, video clip ghi lại việc người dân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đập phá, châm lửa đốt cháy chiếc xe Toyota Fortuner của 2 người đàn ông vì nghi ngờ thôi miên, bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, qua xác minh, 2 người này chỉ chạy xe vào thôn để mua đồ gỗ.

- Sáng 13-7, tại chợ Hôm ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, người dân vây bắt người bán thuốc dạo tên N.T.T (63 tuổi, quê Hà Nam) vì nghi là "mẹ mìn". Khi công an phường có mặt giải vây cho người này, hàng trăm người dân vẫn kéo đến trụ sở công an đòi đánh "kẻ bắt cóc" dù trời đang mưa rất to.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền các đoạn clip ghi lại cảnh người dân ở các huyện Diễn Châu, Kỳ Sơn và Nam Đàn của Nghệ An vây bắt những người bị nghi bắt cóc trẻ em.

- Sáng 5-7, ở khu vực thôn 8 - Tân Phong, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, thấy 2 thanh niên lạ mặt có biểu hiện nghi vấn, người dân bèn hô hoán có người bắt cóc trẻ em. Một số người đã lao vào hành hung 2 thanh niên này. Qua điều tra, thông tin 2 đối tượng bắt cóc trẻ em là hoàn toàn bịa đặt.

PH.Dũng

Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

"Giỡn mặt" với pháp luật

Việc nhiều người dân lao vào đánh đập, đốt phá tài sản của một số người nghi bắt cóc trẻ em cho thấy thái độ ứng xử, đạo đức xã hội đang có vấn đề.

Lẽ ra, khi phát hiện một người nghi bắt cóc thì cần tạm giữ và báo công an đến xử lý chứ sao lại kích động hàng trăm người đánh, đốt xe họ? Rõ ràng, nhiều người đã lợi dụng việc này để tập hợp đám đông làm chuyện trái đạo đức, vi phạm pháp luật.

Những kẻ câu "like", tăng lượt theo dõi trên trang Facebook của mình bằng cách gây lo sợ trong dân chúng cũng là những kẻ bất lương, góp phần gây bất ổn xã hội. An ninh mạng là vấn đề cấp bách, là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, không phải để ai muốn đưa gì lên mạng cũng được. Chúng ta phải dập tắt những "đốm lửa", như khi có tin đồn ghê rợn thì cần phải nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh và xử mức án cao nhất của khung hình phạt để răn đe, phòng ngừa chung.

Hiện nay, nhiều vụ việc chúng ta bỏ lửng, không xử lý đến nơi đến chốn khiến nhiều người "giỡn mặt" với pháp luật. Vì vậy, khi có thông tin thất thiệt, tin giả mạo, công an cần vào cuộc ngay và xử lý nghiêm minh, kịp thời để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

Luật gia Đỗ Văn Nhân - Sở Tư pháp Kon Tum:

Xử nghiêm để làm gương

Người dân tự ý bắt giữ người lạ nếu không có căn cứ hoặc tự ý đánh đập, gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, điều 104 Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11%-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các tình tiết tăng nặng tại khoản 1, điều 104 Bộ Luật Hình sự năm 1999 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đồng thời, nếu có hành vi hủy hoại tài sản của người khác thì có thể bị xử lý theo điều 143 Bộ Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Mức án có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Ngoài ra, người gây ra tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo điều 590 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn Luật sư TP HCM:

Xử lý kịp thời tin đồn

Chính những tin đồn nhảm đã làm cho một bộ phận người dân hoang mang, lo lắng nên nhìn đâu cũng thấy người bắt cóc, nhìn đâu cũng thấy ai đó đang rình rập bắt cóc trẻ em… Rồi cũng từ lo lắng biến thành hành động như tấn công người bị nghi là bắt cóc.

Khi có nguồn tin về một hiện tượng nào đó xảy ra trong xã hội thì các cơ quan chức năng phải lập tức xác minh và có biện pháp xử lý ngay tức thời. Có thể sử dụng những biện pháp như tuyên truyền, họp tổ dân phố thông báo về sự xuất hiện của tin đồn chỉ là nhảm nhí, mọi người cần cảnh giác và không được manh động. Mong rằng các bậc phụ huynh luôn tỉnh táo với các loại tin đồn nhảm và biết cách bảo vệ, kiểm soát con em mình.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Việt - nguyên Chánh Văn phòng TAND TP HCM:

Cần có bản án nghiêm minh

Những vụ việc người dân chỉ mới nghi ngờ bắt cóc đã xông vào đánh đập, gây thương tích cho người khác thường rất khó khăn trong việc xác định ai là người đánh đập, phá hoại tài sản nên không đủ cơ sở để xử lý.

Việc tung tin thất thiệt để phục vụ ý chí chủ quan của mình liệu có phải là làm nhiễu loạn thông tin trong xã hội hay không? Cần có những bản án nghiêm minh đối với những người này để giáo dục người dân về trách nhiệm của mình trước khi đưa lên mạng một thông tin nào đó.

Thạc sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe và Phát triển cộng đồng Tương Lai:

"Like" có trách nhiệm

Hiện nay, nhiều người xem mạng xã hội như một nguồn tài nguyên trù phú để làm ăn, mua bán. Một số người muốn được nổi tiếng, muốn tăng lượng khách hàng đã bất chấp, câu "like" bằng những thông tin bịa đặt.

Trước thực trạng này, mọi người khi đọc được một thông tin gây sốc nào đó thì đừng vội vàng "like", "share" mà cần phải kiểm chứng. Chúng ta không thể vô trách nhiệm khi "like", "share" những thông tin không có thật như vậy.

Ph.Dũng - A.Nhiên ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo