Ngày 5-1, trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu bật những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong năm 2016, đồng thời thông tin về những hoạt động đối ngoại quan trọng năm 2017, với “điểm nhấn” là đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 (APEC-25).
Nhiều thách thức
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết ngay đầu năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Chuyến thăm khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó có Trung Quốc - một đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam. Trong các chuyến thăm và làm việc, lãnh đạo Việt Nam đã gửi lời mời thăm Việt Nam, dự Hội nghị Cấp cao APEC-25 vào cuối năm 2017 và lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định nhận lời.
Ngay trong tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến thăm Việt Nam. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chuyến thăm cho thấy sự tin tưởng quan hệ Việt Nam - Mỹ và chính sách của Mỹ là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cho dù bất kỳ chính đảng nào cầm quyền ở Mỹ. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump vào ngày 14-12-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ, đồng thời mời Tổng thống đắc cử Donald Trump đến dự Hội nghị Cấp cao APEC-25.
Hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của năm 2017 là hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà Hội nghị Cấp cao APEC-25 và tranh thủ một cách hiệu quả hoạt động này để thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và một số đối tác quan trọng khác; biến các hoạt động đa phương, ngoại giao cấp cao thành cơ hội thực hiện các lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá năm 2017 sẽ là năm nhiều thách thức về đối ngoại, tình hình thế giới “sẽ diễn biến hết sức khó lường”. Đây cũng là năm các nước có nhiều thay đổi do các cuộc bầu cử, tuyển cử, hoặc đại hội đảng. Sẽ có những tình huống xảy ra trên thế giới mà chúng ta chưa dự báo được hết.
“Chúng ta vẫn thực hiện phương châm độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và các nước. Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng và nước lớn” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Biển Đông sẽ tiếp tục phức tạp
Nhận định về vấn đề biển Đông và bước đi của Việt Nam sau Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển về vụ kiện giữa Phillipines và Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định tình hình biển Đông 2016 vẫn có nhiều phức tạp. Đó là việc bồi đắp, mở rộng các đảo đá, thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo đá.
Trong năm 2016, các nước ASEAN ra tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng khẳng định những diễn biến đáng lo ngại trên biển Đông, trong đó có việc bồi đắp các đảo đá. ASEAN cũng ra tuyên bố khẳng định lại nguyên tắc phải giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Vào tháng 12-2014, khi Tòa Trọng tài tiếp nhận vụ kiện, Việt Nam đã gửi một tuyên bố đến Tòa, khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét, đồng thời cũng bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Khi Tòa ra phán quyết, Việt Nam đã có tuyên bố hoan nghênh phán quyết, khẳng định lập trường chính thức của Việt Nam.
“Trong năm 2017, tình hình biển Đông sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đáng lo ngại. Chúng ta đang đàm phán với Trung Quốc về phân định vịnh Bắc Bộ, thương lượng với Indonesia về khu vực ngoài thềm lục địa, đàm phán với Malaysia… để giải quyết các tranh chấp. Đối với Việt Nam, chủ trương nhất quán là giải quyết tranh chấp theo biện pháp hòa bình nhưng phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Mỹ sẽ mở tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc vừa mở tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết việc mở tổng lãnh sự quán tại một nơi nào đó là liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự, trong đó có bảo hộ công dân, bảo hộ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư theo luật pháp. Quan hệ Việt - Trung đã là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và Việt Nam cũng đã có 4 tổng lãnh sự quán tại Trung Quốc.
Theo Phó Thủ tướng, Mỹ cũng có ý định mở tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước. Với các nước có nhu cầu mở tổng lãnh sự quán, Việt Nam đều hoan nghênh.
Bình luận (0)