Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, hội nhập kinh tế là trọng tâm của ngành ngoại giao, các lĩnh vực đối ngoại khác sẽ phục vụ cho ngoại giao kinh tế.
Không để doanh nghiệp Việt Nam bị chèn ép
Thủ tướng lưu ý phải phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng nghĩa với việc thị trường xuất khẩu phải rộng lớn hơn, hàng hóa Việt Nam có mặt khắp thế giới. “Không để doanh nghiệp (DN) Việt Nam bỡ ngỡ về thông tin và luật pháp ở thị trường quốc tế. Không chấp nhận việc DN, nhà cung ứng của Việt Nam bị chèn ép, thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia” - Thủ tướng nêu rõ.
Đặt kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới, Thủ tướng yêu cầu các sứ quán, từng cá nhân đại sứ phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ những nút thắt về thể chế, hoạch định chính sách nhằm trả lời thật tốt các câu hỏi: Làm thế nào để khách đến Việt Nam đông hơn? Bao giờ thì chúng ta bằng Thái Lan? Làm thế nào để khách ở lại Việt Nam lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn? Làm thế nào để khách quay trở lại? Làm thế nào để khách kể về những câu chuyện văn hóa, con người và cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam?
“Tôi rất lắng nghe các đồng chí. Việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn để giải quyết” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Sớm nội luật hóa các cam kết quốc tế
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), tiếp cận các thị trường với tổng số dân 1,4 tỉ người.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần bắt tay thực hiện càng sớm càng tốt quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế, thúc đẩy hơn nữa những hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư ở những thị trường mà Việt Nam đã hoặc sắp ký kết FTA, theo hướng đặt trọng tâm vào các dự án, ngành hàng thiết thực, chú ý cung cấp thông tin cần thiết đến từng địa phương, DN.
Về vấn đề này, đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho rằng thực chất kinh tế không bao giờ tách khỏi chính trị. Vì thế, quan trọng nhất là phải xây dựng được khuôn khổ chính trị thật tốt giữa Việt Nam và các nước. “Tiềm năng đầu tư của Indonesia vào Việt Nam còn rất lớn và họ đặc biệt quan tâm tới nước ta sau khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” - ông Tuấn thông tin.
Ông Tuấn cũng khẳng định sứ quán sẽ quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh và sự thân thiện của môi trường đầu tư tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư Indonesia. “Qua làm việc, tôi thấy một số nhà đầu tư của Việt Nam cũng quan tâm đến thị trường viễn thông, bán lẻ, sản xuất của Indonesia. Đây là những mặt hàng, những lĩnh vực mà chúng ta đang chuyển đổi, tập trung để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước” - ông Tuấn nhìn nhận.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, cho rằng Việt Nam và Mỹ còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội mới có thể khai thác do sự phát triển năng động của khu vực và quan hệ hai nước. Tuy nhiên, cách đầu tư của Mỹ không phải là nhà nước cung cấp ODA mà quan hệ nhà nước, Chính phủ tạo khuôn khổ pháp lý, khuyến khích các DN đầu tư vào Việt Nam.
5 yêu cầu của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành ngoại giao cần tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt. Theo đó, định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới; tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế; chủ động đề xuất triển khai phối hợp tốt với trong nước; phối hợp chặt chẽ, thống nhất về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại.
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất và tối ưu hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại.
Bình luận (0)