“Những năm trước, dịp lễ 30-4 và 1-5, 100% cán bộ, chiến sĩ phải ra đường để điều tiết giao thông. Năm nay, nhờ có đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và các cây cầu trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang đã được thông suốt nên chỉ 2/3 quân số ứng trực. Đây là năm đầu tiên mà ngày lễ có một số cán bộ, chiến sĩ được nghỉ” - đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết.
Thênh thang đường về miền Tây
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, mặc dù các ngày nghỉ lễ năm nay kéo dài và số người tham gia giao thông từ TP HCM về miền Tây rất đông nhưng không có đoạn nào bị kẹt xe.
Giải thích lý do này, một CSGT cho biết do có đường cao tốc TP HCM - Trung Lương nên “hút” lượng lớn ô tô, còn Quốc lộ 1 đa số là xe máy. Vào các ngày 28, 29 và 30-4, trên Quốc lộ 1 từ Bình Chánh (TP HCM) về Tiền Giang, đa số phương tiện giao thông là xe máy, thỉnh thoảng mới có vài xe tải nên không bị ùn ứ như các năm trước. Đơn cử hằng năm, vào dịp lễ 30-4, khu vực ngã tư Lương Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang luôn có CSGT điều tiết vì lượng xe tham gia rất đông gây tình trạng ùn ứ; trong khi năm nay không có bóng dáng CSGT vì đa phần là xe máy tham gia lưu thông.
Theo Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, trung bình mỗi ngày có 18.000-20.000 xe lưu thông trên đường cao tốc. Dịp lễ, số xe tăng lên gần 25.000 chiếc mỗi ngày. Công ty Yên Khánh (đơn vị thu phí) đã chủ động cải tiến bằng cách mở thêm 4 làn thu phí cho mỗi đầu đường và nhân viên ứng trực sẵn sàng phát thẻ bằng tay cho tài xế nên không có tình trạng ùn ứ tại các điểm thu phí.
“Dịp lễ 30-4 năm nay, lần đầu tiên các tuyến đường qua tỉnh Tiền Giang không xảy ra tình trạng ùn ứ là nhờ có đường cao tốc và các cây cầu “thắt nút cổ chai” đã được thông. CSGT dù vẫn ứng trực nhưng không vất vả như những năm trước. Tới đây, đường cao tốc đoạn Trung Lương đi Mỹ Thuận được hoàn thành sẽ giải tỏa hoàn toàn việc kẹt xe trên Quốc lộ 1” - đại tá Trần Hoài Bảo nhận định.
“Thoải mái hẳn ra”
Năm nay, người đi chơi lễ cũng khá hài lòng vì tại khu vực Đồng Nai, các xe lưu thông trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây rất thuận tiện. Nếu như vào ngày thường, một số xe còn men theo Quốc lộ 1, chấp nhận chậm về thời gian để tránh bị thu phí thì trong các ngày lễ, hầu hết các phương tiện đều chọn tuyến cao tốc để đi nhanh hơn.
Đợt nghỉ lễ này, anh Nguyễn Hữu Hạnh (nhà ở thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai), chở gia đình đi TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Anh so sánh: “Trước đây, với lịch trình đi theo đường cao tốc về Đà Lạt, dù lưu thông rất thuận lợi nhưng vẫn bị “tắc” ở các điểm nối, đường dẫn từ các tuyến lên cung đường hiện đại này. Nhiều lúc phải mất 10-15 phút do kẹt xe. Tuy nhiên, dịp lễ này, có thể do đơn vị khai thác có kế hoạch điều tiết nên tình trạng này diễn ra không quá nghiêm trọng. Nói chung tình hình khá tốt”.
Song song đó, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 20 nối ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) với TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vừa khánh thành cách đây vài ngày cũng khiến giới tài xế và người dân vui hơn hẳn. “Thoải mái hẳn ra, nhẹ cả người như cởi bỏ gánh nặng so với khi quốc lộ này chưa được sửa chữa. Trước đây, chúng tôi đi trên tuyến quốc lộ này mà phát hoảng” - anh Hoàng Văn Tuấn (ngụ quận 9, TP HCM), chở gia đình từ TP HCM lên Đà Lạt chơi lễ 30-4, vui vẻ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nếu như trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 20, tình hình lưu thông khá thông thoáng khiến người đi chơi lễ thoải mái thì ở tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra. Khi tuyến cao tốc được khánh thành, các nhà đầu tư chiến lược cho rằng một trong những mục đích là nhằm giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, hiện đang được nâng cấp, cải tạo. Tuy nhiên, trong 2 ngày 30-4 và 1-5, có mặt trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến từng đoàn ô tô nối nhau kéo dài ở cả 2 chiều Nam - Bắc.
“Có lẽ do nhiều người muốn tiết kiệm phí hoặc không thích đi đường vòng để lên đường cao tốc nên xảy ra ùn ứ, gây ức chế cho nhiều người ở đây” - ông Bùi Huy, thường xuyên lưu thông bằng ô tô từ TP HCM về nhà tại khu vực Trảng Bom, nhận xét.
Rút ngắn 3 giờ đi từ TP HCM - Đà Lạt
Ngày 28-4, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động dự án cải tạo Quốc lộ 20 đi qua 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai. Dự án thực hiện từ năm 2011, dài 110 km, tổng vốn hơn 5.000 tỉ đồng.
Cùng với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20 đã giúp hành trình từ TP HCM đi TP Đà Lạt giảm được hơn 3 giờ so với trước đây.
X.Hoàng
Bình luận (0)