Tính đến tháng 5-2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã điều chỉnh hợp đồng 21 dự án (DA) giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 DA đường bộ. Kết quả sau quyết toán, Bộ GTVT đã điều chỉnh giảm thời gian thu phí 13 DA BOT đến 92 năm 3 tháng.
"Hết sức bình thường"
Theo Vụ Đối tác công - tư (PPP) - Bộ GTVT, trong 13 DA được điều chỉnh giảm thời gian thu phí, giảm nhiều nhất là công trình đầu tư xây dựng Quốc lộ (QL) 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa với 20 năm 1 tháng. Thời gian thu phí của DA này được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 7 năm 7 tháng.
DA QL10 đoạn cầu Tân Đệ - La Uyên có thời gian thu phí dự tính ban đầu là 21 năm 3 tháng. Sau quyết toán, thời gian thu phí DA này được điều chỉnh chỉ còn 11 năm 9 tháng, giảm 9 năm 6 tháng. Công trình QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là DA giảm thời gian thu phí thấp nhất với 4 tháng (từ 13 năm 1 tháng còn 12 năm 9 tháng)…
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ PPP, cho biết việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các DA BOT chủ yếu do giá trị thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và sự biến động lưu lượng xe. "Sau khi quyết toán công trình, Bộ GTVT sẽ cập nhật các thông số và tính toán lại thời gian thu phí để ký kết với nhà đầu tư làm cơ sở thu phí sau này. Việc tổng mức đầu tư giảm sau quyết toán, cùng với việc cập nhật lại lưu lượng dòng xe thực tế, các thông số tài chính liên quan sẽ làm thay đổi thời gian thu phí so với dự tính trước đây" - ông giải thích.
Công trình đoạn đường tránh TP Thanh Hóa được điều chỉnh giảm thời gian thu phí đến 20 năm 1 thángẢnh: Thanh Tuấn
Ông Tuấn Anh cho hay trong quá trình vận hành, khai thác công trình, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT cho đến hết vòng đời DA. "Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường" - ông nhận xét.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, bộ đang tiếp tục quyết toán các DA BOT. Khi quyết toán xong, bộ sẽ công khai toàn bộ thời gian thu phí còn lại, mức thu của từng DA. Theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT, đến ngày 30-6, về cơ bản, bộ sẽ hoàn thành quyết toán 54 DA BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) đã hoàn thành và thu phí.
Ngoài 13 DA nêu trên, có 4 DA phải kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn sau quyết toán tổng cộng 24 năm 5 tháng. Theo đó, DA cầu Mỹ Lợi - QL50 kéo dài tới 16 năm 2 tháng, DA cầu Yên Lệnh - QL38 kéo dài 4 năm 3 tháng, DA QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long 3 năm và DA QL1 đoạn Nam Bến Thủy - TP Hà Tĩnh 1 năm. Nguyên nhân là do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.
Đánh giá về việc Bộ GTVT giảm gần 100 năm thu phí 13 DA BOT, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng đó là tín hiệu rất đáng mừng về sự công khai, minh bạch các DA mà dư luận đòi hỏi lâu nay. Điều này cũng bộc lộ những bất cập của DA BOT - từng được các chuyên gia, bộ, ngành đề cập rất nhiều nhưng khắc phục rất chậm. Chỉ đến khi các đoàn giám sát của Quốc hội vào cuộc, nó mới được đẩy nhanh.
"Bộ GTVT đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp vận tải. Với các DA BOT chưa được quyết toán, Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ để công khai, minh bạch thông tin" - ông Liên bày tỏ.
Giám sát ngay từ đầu
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ GTVT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình xung quanh việc thu phí tại cầu Bến Thủy, tỉnh Nghệ An gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát lại việc bố trí các trạm thu phí đường bộ trên cả nước, có phương án giải quyết thỏa đáng quyền lợi và nghĩa vụ của người dân lân cận các trạm BOT. Ngoài ra, Bộ GTVT phải khẩn trương triển khai thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm BOT. Trong quá trình thực hiện phải cập nhật thông tin, báo cáo Chính phủ…
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nếu muốn người dân tin tưởng và đồng tình sử dụng DA BOT, cơ quan chức năng phải đưa ra các quy định công khai, minh bạch từ khi xây dựng đến lúc vận hành. "Khi DA xây dựng và thu phí, cơ quan chức năng và chủ đầu tư phải minh bạch công trình xây dựng hết bao nhiêu tiền, sẽ thu phí trong bao nhiêu năm... một cách sớm nhất, rộng rãi nhất. Vấn đề quan trọng nhất đối với các chủ xe nhiều khi không chỉ phí cao hay thấp mà chính là DA có minh bạch hay không" - ông Thanh nhìn nhận.
Ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông, cho rằng thời gian thu phí các DA qua quyết toán giảm đến gần 100 năm cho thấy việc lập DA bị đội giá lên rất cao. Khi có dự toán cao, chắc chắn trong thi công sẽ có sự tiêu cực, lãng phí như kê khống khối lượng mà không thể nào kiểm soát, hậu kiểm hết được. Riêng DA tuyến tránh TP Thanh Hóa, sau quyết toán chỉ được phép thu phí trong 7 năm 7 tháng, nghĩa là việc tính toán thời gian thu phí có sai số đến gần 70%. Điều này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong khâu lập DA.
Ông Thanh đề xuất: "Ngay từ giai đoạn thiết kế, cần phải có những yêu cầu hết sức cụ thể. Chẳng hạn, phải có giải pháp để giám sát thiết kế DA không vượt nhu cầu thực tế, kê vống lên để lấy khối lượng; siết chặt, không để chi phí dự phòng lớn. Nhất là không cho tính tỉ lệ trượt giá công trình xây dựng đến 14%-15% như hiện nay vì trượt giá hàng hóa trung bình chỉ khoảng 5%-7%".
Hơn 170.000 tỉ đồng cho 58 dự án BOT
Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã huy động hơn 186.000 tỉ đồng đầu tư 62 DA đường bộ theo hình thức BOT và BT, trong đó có 58 DA BOT với tổng mức đầu tư hơn 170.000 tỉ đồng.
Các DA BOT đã xây mới, nâng cấp, cải tạo hơn 4.400 km đường bộ và gần 100 km cầu; góp phần nâng cấp, mở rộng QL1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên).
Đường nát như tương, phí vẫn thu!
QL19 dài 240 km được xem là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau khi thi công 2 đoạn đường dài 55,726 km (Bình Định hơn 33 km, Gia Lai gần 23 km), Công ty TNHH BOT 36.71 đã tiến hành đặt 2 trạm thu phí.
Tuy nhiên, đoạn đường 40 km nằm giữa 2 đoạn nêu trên - từ chân đèo Mang Yang đến đỉnh đèo An Khê, tỉnh Gia Lai - từ lâu bị xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn từ Km 90 đến Km108, mặt đường bị biến dạng, lún sụt, đầy ổ gà, ổ voi. Các tài xế điều khiển xe qua đây rất khó khăn, chạy rất chậm. Nhiều người không dám cho xe chạy giữa đường mà chỉ men theo lề. Điều đáng nói là dù đường sá như vậy nhưng trạm thu phí vẫn đều đặn thu tiền các phương tiện qua lại.
Anh Lê Văn Hưởng, một tài xế xe khách thường xuyên chạy trên QL19, bức xúc: "Chúng tôi phải đóng tiền qua 2 trạm tại Bình Định và Gia Lai nhưng phải đi trên đoạn đường khổ ải này. Đường làm được mấy chục km rồi vội vã thu phí trong khi đoạn còn lại thì nát như tương".
Vừa qua, ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, đã ký văn bản gửi bộ trưởng Bộ GTVT nêu rõ những hư hỏng tại đoạn đường này và đề nghị sớm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa tiến hành giám sát tại Gia Lai về việc thực hiện đầu tư, khai thác các công trình BOT. Tại QL19, đoàn ghi nhận những bất cập, vướng mắc, nhất là đoạn 40 km nêu trên; việc thu phí ở 2 đầu đã gây bức xúc đối với người dân.
Theo Cục Quản lý đường bộ III - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đoạn Km 90 - Km108 đã được Bộ GTVT chấp thuận bổ sung vào sự án cải tạo, nâng cấp QL19 theo hợp đồng BOT. Ngày 19-8-2016, chủ đầu tư - Công ty TNHH BOT 36.71 - đã gửi hồ sơ xin phép thi công. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao hiện trường, nhà đầu tư chỉ thi công dang dở một số hạng mục rồi... để đấy.
Sau đó, Công ty TNHH BOT 36.71 "xin bàn giao lại" cho Cục Quản lý đường bộ III vì lý do mùa mưa, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Cục đã yêu cầu công ty phải sửa chữa lại toàn bộ các hư hỏng phát sinh về nền, mặt đường… theo đúng nguyên trạng ban đầu như khi bàn giao, sau đó kiểm tra thực tế rồi mới thống nhất tiếp nhận…
Trong khi hai bên cứ "đá qua đá lại" thì đoạn đường này ngày càng xuống cấp. Người dân và phương tiện giao thông vẫn phải khổ sở khi qua đây dù đã phải đóng phí ở 2 đầu.
Theo Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng, đơn vị chủ quản Công ty TNHH BOT 36.71, đoạn Km 90 - Km108 được bổ sung vào dự án BOT có tổng số vốn đầu tư khoảng 550 tỉ đồng. Đơn vị này đang đàm phán điều chỉnh hợp đồng với Bộ GTVT và trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư DA. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại gặp một số khó khăn, vướng mắc về vốn vay…
Hoàng Thanh
Bình luận (0)