xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều hệ lụy từ nước “bẩn”

Bài và ảnh: Minh Khanh

Nước sông Sài Gòn, Đồng Nai bị ô nhiễm gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống người dân TP HCM, bao gồm cả việc xuất hiện chất có nguy cơ gây ung thư

Nguy cơ này xuất phát từ việc sử dụng chất chlorine để khử trùng tại các nhà máy nước. Theo PGS-TS Bùi Xuân Thành, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, chlorine là chất khử trùng rất tốt nhưng nếu nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ sẽ sản sinh ra một số chất sản phẩm phụ khử trùng.

Được cái này, mất cái kia

Một trong những chất đó là THMs (trihalomethanes) có khả năng gây ung thư. PGS-TS Bùi Xuân Thành cùng nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TP HCM đã lấy mẫu nước thô từ sông Sài Gòn và nước đã qua xử lý tại Nhà máy Nước Tân Hiệp để phân tích. Nhóm nhận thấy nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm hữu cơ với nồng độ amoni và hữu cơ trong nguồn nước thô tăng nghiêm trọng, vượt giới hạn cho phép: nồng độ COD từ 8-14 g/lít và amoni từ 0,1-1 mgN/lít (quy chuẩn cho phép đối với COD trong nước là 10 mg/lít và amoni là 0,1 mgN/lít). Lượng chlorine được sử dụng tiền xử lý tại Trạm bơm Hòa Phú là 1-2 g/lít và tại Nhà máy Nước Tân Hiệp là 2-4 g/lít. Nước sau khử trùng giảm ô nhiễm vi sinh nhưng xuất hiện THMs với nồng độ từ 50 - 200 µg/lít. Tuy nồng độ này vẫn nằm dưới ngưỡng Quy chuẩn 01/2009 của Bộ Y tế (cho phép hàm lượng THMs trong nước uống là 460 µg/lít) nhưng vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Bên cạnh đó, nếu so với quy chuẩn của các nước trên thế giới, chẳng hạn tại Mỹ, nồng độ THMs trong nước sau xử lý bắt buộc từ 80 µg/lít trở xuống thì quy chuẩn của Việt Nam khá “rộng rãi”.

 

Nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm hữu cơ rất cao
Nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm hữu cơ rất cao

 

GS-TS Lê Huy Bá, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết THMs là chất gây ngộ độc mạn tính chứ không gây ngộ độc cấp nên khó phát hiện. THMs tích tụ lâu trong gan, thận sẽ gây ung thư. Theo GS Bá, nếu giao các nhà máy nước nghiên cứu và cảnh báo về vấn đề THMs trong nước cũng khó cho họ bởi nước ta còn thiếu đội ngũ chuyên môn cũng như cơ sở vật chất bài bản để thí nghiệm độc học. “Quy chuẩn hiện tại là suy đoán có lý và chấp nhận được tại Việt Nam. Hay nói cách khác, chúng ta phải lùi tiêu chuẩn để phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam” - GS Bá nói. Tuy nhiên, ông cho rằng cũng nên khuyến cáo rộng rãi đến người dân về chất lượng nước cấp để họ lưu ý, sử dụng cẩn thận và an toàn hơn. “THMs là chất bay hơi nên người dân có thể xử lý tại nhà bằng cách phơi nắng hoặc sử dụng hệ thống lắng lọc” - GS Bá chỉ dẫn.

Tự bảo vệ mình

Từ nhiều năm nay, vấn đề ô nhiễm trên sông Sài Gòn đã ở mức báo động cao, nhiều đoạn được đánh giá là không còn khả năng “cứu chữa”. Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cho thấy từ năm 2012, các chỉ tiêu ô nhiễm như COD, BOD, TSS (chất rắn lơ lửng) trên sông Sài Gòn đã vượt tiêu chuẩn cho phép, tăng dần về phía hạ lưu và tăng đều qua các năm. Vì thế, giải pháp thường thấy ở các nhà máy nước là chuyển dần những điểm lấy nước lên phía thượng nguồn hoặc chuyển từ nước sông Sài Gòn qua sông Đồng Nai vì chất lượng nước của sông Đồng Nai tốt hơn. Dẫu vậy, trên thực tế, ô nhiễm hữu cơ trên sông Đồng Nai cũng đang tăng nhanh chóng. Tại hầu hết các điểm quan trắc, chỉ tiêu ô nhiễm đã vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép.

Theo PGS-TS Bùi Xuân Thành, ô nhiễm hữu cơ cao trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, phần lớn là do nước thải sinh hoạt nhưng chỉ khoảng 10% tổng lượng nước thải của TP HCM được thu gom, xử lý trước khi đổ ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Do đó, biện pháp căn cơ, lâu dài là TP cần nhanh chóng xây dựng đủ 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực chính. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng phải kiểm soát nguồn xả thải công nghiệp, không để các cơ sở sản xuất xả lén nước thải chưa qua xử lý ra nguồn nước. Bên cạnh đó, người dân cần có các biện pháp tự bảo vệ mình như sử dụng các thiệt bị lọc nước RO, NF… Đặc biệt, không uống nước lạnh nhưng nếu đun sôi thì sau đó phải mở nắp để các độc chất bay hơi.

 

Xử lý bằng biện pháp sinh học

Ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), cho biết số liệu giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP và số liệu theo dõi của SAWACO cho thấy chỉ tiêu THMs và các chỉ tiêu khác trong nước sạch của Nhà máy Nước Tân Hiệp cũng như các nhà máy nước khác của SAWACO luôn bảo đảm thấp hơn so với ngưỡng giới hạn của QCVN 01: 2009/BYT, thỏa mãn yêu cầu chất lượng nước sạch cung cấp cho ăn uống, sinh hoạt. Về lâu dài, SAWACO đang triển khai xây dựng hồ chứa nước thô kết hợp với tiền xử lý nước trên sông Sài Gòn để kiểm soát chất lượng nước thô, giảm thiểu chất ô nhiễm. “SAWACO cũng nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý nước bằng biện pháp sinh học để giảm thiểu sử dụng hóa chất” - ông Hải nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo